Góc nhìn

Nhận "trái đắng" khi đặt niềm tin sai chỗ

KIM THANH 02/10/2023 07:14

Không ít hộ nông dân làm ăn lớn nhưng vẫn giữ thói quen xưa khi chỉ dựa vào niềm tin trong mua bán. Thế nên khi đặt niềm tin sai chỗ, mua phải cây giống, con giống rởm, họ chỉ còn cách nhận "trái đắng".

W_w_khutrung.jpg
Toàn bộ 100 con lợn giống mới mua của gia đình ông Nguyễn Văn Bối ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) phải tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Một buổi tối cách đây không lâu, tôi nhận được cuộc gọi điện thoại của một nông dân ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) phản ánh về việc gia đình anh bị thiệt hại gần hai trăm triệu đồng vì mua phải lợn giống bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Anh này đau xót thừa nhận: Gia đình mình đuối lý khi mua lợn giống hoàn toàn bằng… niềm tin mà không hề có bất cứ giấy tờ gì chứng minh đã mua lợn tại trang trại đó, không có biên lai nhận tiền. Khi mua, người chăn nuôi chỉ đến xem tại trang trại, đồng ý là giao tiền nhận hàng. Chủ trang trại cung cấp lợn giống chỉ cam kết bảo hành… bằng miệng. Chính vì vậy, sau khi lợn bắt về có dấu hiệu ốm mệt, chủ hộ chăn nuôi điện thoại cầu cứu chủ trang trại cung cấp con giống nhưng họ đã phủi sạch trách nhiệm. Sau đó, gia đình tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và cho kết quả đàn lợn mới bắt đã bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ đàn lợn bị tiêu hủy. Người nông dân mất trắng.

Điều đáng nói không chỉ có gia đình anh nông dân ở xã Tuấn Việt mà một số hộ chăn nuôi ở địa phương khác trong tỉnh cũng mua lợn của trang trại trên và đều bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Điều giống nhau là họ đều mua bán bằng niềm tin nên khi thiệt hại xảy ra đều phải chịu thiệt.

Câu chuyện người chăn nuôi chịu thiệt khi mua phải con giống kém chất lượng thực tế đã làm “nóng” nhiều diễn đàn trong cả nước. Hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuối tháng 7/2023 là một ví dụ. Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan nêu quy chuẩn xét nghiệm con tôm giống hiện nay còn nhiều bất cập. Theo quy chuẩn hiện nay, mua 1 triệu con tôm giống chỉ lấy 27 con xét nghiệm, nên không chính xác được. "Bởi vậy khi người nuôi mua con giống đem về, có đủ 2 - 3 giấy chứng nhận, bảo đảm con giống sạch bệnh của công ty sản xuất giống và Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhưng sau khi nuôi được 30 - 40 ngày tuổi, tôm bị bệnh, lúc này nông dân lãnh đủ, không biết kêu ai".

Hạt giống cây trồng kém chất lượng, trách nhiệm đổ quanh cũng là vấn đề từng được báo chí đề cập. Nhiều năm qua, cây su lơ đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Tứ Kỳ. Tuy nhiên, năm 2022, nhiều hộ dân rơi vào cảnh mất trắng, thua lỗ nặng nề vì trồng phải giống su lơ kém chất lượng của Công ty Phù Sa. Đến vụ thu hoạch, thay vì được thu về sau bao ngày vất vả thì su lơ “điếc” không ra hoa hay ra hoa nhưng bị hỏng, người dân buộc phải nhổ bỏ, chất ngổn ngang đầy các bờ ruộng. Đó là những hình ảnh không ai muốn nhớ.

Hiện nay không chỉ được bày bán phổ biến tại các chợ truyền thống, cửa hàng vật tư nông nghiệp, hạt giống còn được công khai rao bán trên internet.

Người nông dân loay hoay như lạc vào mê trận và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Nếu mua được cây con giống bảo đảm chất lượng thì không sao, còn nếu không may chịu thiệt hại như những trường hợp nông dân nuôi lợn ở Kim Thành hay các hộ trồng su lơ ở Tứ Kỳ thì nông dân là người phải chịu thiệt.

Để tránh cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, ngành nông nghiệp, các tổ chức hội, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân thông qua nhiều kênh khác nhau. Ngoài phổ biến tiến bộ khoa học-kỹ thuật, cần tăng cường mối quan hệ liên kết “bốn nhà” để hỗ trợ hiệu quả cho bà con nông dân từ khâu cung cấp giống, đến quy trình khoa học-kỹ thuật trong chăm bón, cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu đầu ra…

Người nông dân khi tham gia những “sân chơi” lớn cũng phải tự “lớn” hơn về mọi mặt, đặc biệt phải trang bị cho mình những kỹ năng giao dịch thương mại, hiểu biết pháp luật. Để an toàn hơn trong sản xuất, ngoài bỏ vốn làm ăn, người nông dân cần quan tâm hơn tới bảo hiểm nông nghiệp để có thêm “tấm lá chắn” cho mình.

KIM THANH