Những điều cần từ bỏ để được gia đình tôn trọng
Sự tôn trọng của gia đình có thể là điều đương nhiên nhưng một số hành vi có thể phá hỏng cách chúng ta được nhìn nhận trong mắt những người yêu thương.
Theo chuyên gia giao tiếp và ứng xử người Mỹ Paul Brian, những hành vi dưới đây sẽ biến một người trở thành "cái gai" trong mắt những người thân.
Tự cho mình là "cái rốn của vũ trụ"
Sự tôn trọng của gia đình giảm sút khi bạn quá coi mình là trung tâm. Bạn có quyền đặt bản thân lên hàng ưu tiên nhưng việc biến mình thành "cái rốn của vũ trụ" và bắt mọi người phải tôn sùng điều đó lại không được đánh giá cao. Nó dẫn đến việc gia đình thấy bạn xa cách và bạn có thể bị đối xử bằng sự thiếu tôn trọng và quan tâm tương ứng.
Luôn đòi được chăm sóc dù đã trưởng thành
Khi bạn còn nhỏ, cha mẹ là người bảo đảm của bạn. Khi nhu cầu không được đáp ứng, bạn sẽ khóc hoặc tức giận, cha mẹ thường sẽ xoa dịu và đáp ứng.
Nhưng khi bạn lớn lên và trưởng thành hơn, khả năng chăm sóc bản thân và quản lý cảm xúc sẽ tăng lên. Việc đòi hỏi quá nhiều sự quan tâm, chăm sóc sẽ làm mất đi sự tôn trọng từ các thành viên trong gia đình dành cho bạn. Họ kỳ vọng bạn đã thay thế những đòi hỏi bằng việc sẵn sàng xắn tay áo tìm kiếm điều mình muốn cũng như quản lý cảm xúc của chính mình.
Theo thống kê, nhiều người thuộc thế hệ Millennials và thế hệ trẻ vẫn sống vùng cha mẹ, một phần do chi phí sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, việc phụ thuộc và ỷ lại vào cha mẹ quá nhiều trở thành nguyên nhân khiến nhóm người này gây thất vọng cho chính cha mẹ họ lẫn xã hội.
Hành xử bốc đồng
Nếu là một người bốc đồng, bạn có thể mất đi sự tôn trọng từ phía gia đình. Thói quen sống bốc đồng đánh dấu bạn là người thiếu kiên định và dễ có những phán xét tồi tệ. Thay vì đưa ra những quyết định theo cảm hứng, hãy cố gắng hết sức để suy nghĩ thấu đáo mọi việc trước và bắt đầu sáng suốt hơn trong cách lập kế hoạch cho tương lai.
Ứng xử kém
Kể cả là với người thân trong gia đình, ứng xử cũng rất quan trọng. Một số cách hành động của bạn đối với gia đình có thể bị coi là thiếu tôn trọng, ví dụ ngắt lời người khác khi họ đang nói, không xem xét hoặc lắng nghe quan điểm của các thành viên khác trong gia đình. Tất cả những hành vi này có thể gây ra phản ứng tiêu cực, khiến mọi người phản ứng bằng cách thiếu tôn trọng và xa lánh bạn.
Tình yêu thương của các thành viên trong một gia đình có xu hướng bền chặt hơn các mối quan hệ ngoài xã hội nhưng mối quan hệ trong gia đình vẫn là mối quan hệ. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải lưu tâm và tôn trọng mọi người.
Ưa gây gổ
Trong gia đình, việc bị coi là kẻ hay thích tranh cãi có thể khiến bạn mất đi sự tôn trọng. Mọi người cảm thấy mệt mỏi khi ở cạnh bạn, thậm chí không hỏi ý kiến của bạn trong một việc quan trọng nào đó vì sợ sự tranh cãi.
Nếu bạn nhận thấy mình thường xuyên tranh cãi vì những điều nhỏ nhặt với gia đình hoặc có xu hướng sửa chữa quá mức những vấn đề nảy sinh, nên cố gắng thay đổi.
Chìa khóa của gia đình là sự cân bằng trong ứng xử. Tình yêu trong gia đình là vô điều kiện nhưng ranh giới cũng phải rõ ràng.