Nông nghiệp - Nông thôn

Vắng bóng sản phẩm OCOP du lịch

TRẦN HIỀN 03/10/2023 10:28

Hải Dương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sản phẩm OCOP du lịch do nhiều khó khăn, vướng mắc.

W_img_20230930_152421(1).jpg
Du khách thích thú với trải nghiệm tại Phường rối nước Thanh Hải (Thanh Hà). Ảnh: Khắc Xoa

Nhiều điểm du lịch tiềm năng

Phường rối nước Thanh Hải (Thanh Hà) là một trong những cái nôi của nghệ thuật rối nước. Nếu như trước đây, rối nước chỉ để phục vụ người dân trong xã vào các dịp lễ, Tết thì nay đã vươn xa hơn. Vượt khỏi không gian làng, rối nước Thanh Hải đã được khán giả biết tới nhiều hơn khi lưu diễn tại nhiều tỉnh, thành phố cả trong nước. Năm 2018, phường rối nước Thanh Hải còn mang các tiết mục nghệ thuật của mình biểu diễn tại Đài Loan (Trung Quốc). Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có 3 đoàn du khách quốc tế tìm về Thanh Hải để xem và trải nghiệm nghệ thuật dân gian. Đây cũng là cách để văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Ông Phạm Khắc Xoa, Trưởng Phường rối nước Thanh Hải chia sẻ: "Năm 2022, rối nước Thanh Hải đã đăng ký Chương trình OCOP nhưng do vướng mắc về hồ sơ nên sản phẩm này vẫn chưa được công nhận. Đây là một điều đáng tiếc bởi nếu trở thành sản phẩm OCOP du lịch, rối nước Thanh Hải sẽ phát huy hơn nữa giá trị văn hóa vùng miền và giúp kết nối với các điểm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái đang phát triển nhanh chóng ở huyện Thanh Hà".

Đình Trịnh Xuyên (xã Nghĩa An) và lễ hội đền Tranh (xã Đồng Tâm) đang là một trong những sản phẩm OCOP tiềm năng thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch của huyện Ninh Giang. Đây là 2 điểm du lịch tâm linh đến quen thuộc của cả người dân cả ở trong và ngoài tỉnh.

Tháng 4/2022, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa Lễ hội truyền thống đền Tranh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau lễ hội truyền thống đình Trịnh Xuyên, lễ hội truyền thống đền Tranh trở thành lễ hội thứ 2 của huyện được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, vào các ngày hội chính, lễ hội Đền Tranh và đình Trịnh Xuyên thu hút hàng nghìn lượt du khách tới tham quan và chiêm bái. Ngoài 2 sản phẩm này, Ninh Giang còn có rối nước Hồng Phong cũng là sản phẩm nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này.

Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đây được xem là nhóm sản phẩm có tiềm năng lớn bởi trên địa bàn Hải Dương có nhiều làng nghề truyền thống, điểm đến hấp dẫn ở khu vực nông thôn, có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch trải nghiệm. Mỗi điểm đến, làng nghề này lại có những sản phẩm quà tặng đặc trưng với chất lượng đã được người tiêu dùng biết đến và được đánh giá cao.

Nhiều vướng mắc

W_thanhdat.jpg
Lễ hội đền Tranh là một trong hai sản phẩm tiềm năng về du lịch OCOP của huyện Ninh Giang

Tại nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc, sản phẩm OCOP du lịch đang được khuyến khích phát triển và mang lại nhiều hiệu quả. Những mô hình này không những nâng cao giá trị kinh tế cho người dân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Tại Hải Dương, những năm qua đã số ít sản phẩm đăng ký tham dự OCOP như rối nước Thanh Hải (Thanh Hà), rối nước Hồng Phong (Ninh Giang)… Tuy nhiên đến nay, việc biến những điểm đến trên thành sản phẩm OCOP vẫn chưa trở thành hiện thực do những khó khăn vướng mắc trong hồ sơ, thủ tục và những quy định “cứng” về việc công nhận sản phẩm OCOP thuộc nhóm này.

Anh Nguyễn Văn Tú, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang, phụ trách Chương trình OCOP cho biết, lễ hội Đền Tranh và đình Trịnh Xuyên là 2 sản phẩm du lịch tiềm năng của huyện. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay là công nhận 2 di tích này là “điểm du lịch”. Đây là tiêu chí cứng để công nhận sản phẩm OCOP du lịch. Tiêu chí này phải do ngành văn hóa hướng dẫn hoàn thiện nhưng đến nay vẫn đang tắc, mặc dù cơ sở đã cơ bản hoàn thiện những hồ sơ cần thiết.

Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, ngoài những vướng mắc về thủ tục thì yếu tố khó nhất hiện nay trong phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch là "bài toán" về đầu tư cơ sở hạ tầng. Các địa phương có tiềm năng nhưng chưa đủ mạnh để đầu tư hạ tầng giao thông và các dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách. Các tiêu chí để đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch OCOP vẫn chưa được người dân cũng như tổ chức hoạt động về du lịch tiếp cận. Việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng chủ yếu vẫn tự phát, thiếu thủ tục cần thiết và chưa có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ thể. Như trường hợp của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Nam Vũ đang vướng và chưa thể tháo gỡ. Do vậy, các sản phẩm du lịch vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Hiện nhiều địa phương trong tỉnh đang xây dựng đề án theo hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. UBND tỉnh cũng đang xây dựng Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Để thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng, điểm du lịch, tỉnh cần thêm những chính sách hỗ trợ nhằm huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong đó, không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn phát huy vai trò trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa theo hướng bền vững ở khu vực nông thôn.

TRẦN HIỀN