Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo
Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật này.
Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.
Thông tin với báo chí về phiên họp Chính phủ và Hội nghị với các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế được chú trọng; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện;
Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công và trợ giúp xã hội... Tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa kỷ niệm các ngày lễ lớn...
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, nhất là các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng thời, tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu, chủ động các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong tháng 9 đã tổ chức khai giảng năm học mới 2023-2024. Toàn ngành Giáo dục đã tích cực triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về giáo dục tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật này và các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là tại các tỉnh miền núi.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai năm học 2023-2024 (chiều 18/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, hiện vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập ở các cấp học giữa các địa bàn.
Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10.
Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.
Thủ tướng cho rằng, tinh thần "ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên" là đúng nhưng phải hợp lý, hiệu quả. "Tôi từng đến một điểm trường có 7 học sinh nhưng có 9 giáo viên và cách đó 4 km thì có trường chính. Như vậy không hợp lý", Thủ tướng lấy ví dụ và nhấn mạnh, trong tổ chức thực hiện phải căn cứ tình hình thực tế.