Thủ tướng yêu cầu phấn đấu GDP tăng 6%
GDP 9 tháng tăng 4,24%, không như mong muốn, nhưng Thủ tướng yêu cầu chọn kịch bản cả năm đạt 6% để phấn đấu, thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 30/9.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế năm nay cao nhất chỉ đạt 6%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao (6,5%), do những khó khăn từ nội tại và tác động của kinh tế thế giới.
Dự báo được cơ quan ngành kế hoạch đưa ra trong bối cảnh GDP 9 tháng tăng thấp, chỉ đạt 4,24%. Mức này bằng khoảng một nửa cùng kỳ 2022. Tốc độ tăng trưởng chưa như mong muốn, lạm phát chịu nhiều sức ép. Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng gặp khó khăn, như công nghiệp phục hồi chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng chỉ khoảng 1,65%.
Trước dự báo này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để "phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023, tạo tiền đề cho 2024". Theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, để GDP năm nay đạt 6% thì kinh tế quý IV phải tăng trưởng 10,6%, tức gần gấp đôi quý III (5,33%).
Các ý kiến tại cuộc họp chung nhận định tình hình sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, Việt Nam có những thuận lợi nhất định như nền tảng vĩ mô tương đối tốt và chiều hướng phục hồi của nền kinh tế, quan hệ quốc tế thuận lợi, niềm tin thị trường, nhà đầu tư ngày càng được củng cố và tăng cường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quan điểm trong bối cảnh hiện nay cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và cụ thể là công nghiệp chế biến, chế tạo. Nền kinh tế tiếp tục cơ cấu lại theo hướng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy các ngành mới nổi, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ba động lực tăng trưởng làm bệ đỡ cho nền kinh tế (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), lãnh đạo Chính phủ nói cần dồn tổng lực để thúc đẩy. Với đầu tư, ông yêu cầu tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
"Phải xác định đây là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, góp phần tạo ra hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tăng năng lực nền kinh tế, thu hút đầu tư bền vững", Thủ tướng nói.
Ngoài củng cố các thị trường truyền thống, doanh nghiệp xuất khẩu cần hướng tới các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới.
Để động lực tiêu dùng đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế, theo Thủ tướng, cần thêm các giải pháp để kích cầu thị trường nội địa 100 triệu dân; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu trong dịp lễ tết, cuối năm.
Giải pháp "kích" nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nhắc tới, là đề xuất thực hiện tiếp các chính sách giảm thuế, phí trong năm 2024. Ông Dũng cũng đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tới giữa năm 2024, thay vì kết thúc vào cuối năm nay do tình hình vẫn còn khó khăn.
Thuế VAT đã giảm 2% từ 1/7 và kéo dài tới hết năm nay, theo Nghị quyết của Quốc hội. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi.
Do đó, nếu kéo dài thời gian giảm thuế này sẽ giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, và mang lại tác động tâm lý, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng.
Ngoài thúc đẩy ba động lực tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương tận dụng thời cơ để hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi, như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh. "Không để bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư từ việc nâng cấp quan hệ và các hiệp định thương mại, đầu tư với các đối tác", ông lưu ý.
Ở khía cạnh này, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thông tin giữa tháng 9, nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc đã được đưa vào hoạt động.
Ông Dương nói thêm, năng lực sản xuất nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp của địa phương được mở rộng. 9 tháng, GDPR của Bắc Giang tăng trên 12%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 32 tỷ USD, thu hút vốn FDI xấp xỉ 2 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 70%. Chủ tịch Bắc Giang tự tin năm nay sẽ cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra.