Mẹo nấu cơm bằng giấm và muối
Nếu muốn cơm ngon hơn nên cho thêm ba loại gia vị là muối, dấm trắng và dầu mè giúp hạt cơm thơm, mềm dẻo hơn.
Thêm giấm trắng
Giấm không chỉ giúp hạt cơm dẻo mà còn có vị ngọt, giữ màu và không dễ bị thiu hay chua. Theo đó, sau khi vo gạo cho vào nồi nấu, thêm một chút giấm trắng trộn đều với nước và gạo. Tỷ lệ trộn là 2 ml giấm cho mỗi kg gạo.
Thêm muối
Muối không chỉ là gia vị quen thuộc dùng để nấu ăn, sơ chế mà còn có tác dụng khác là nấu cơm. Cho một ít muối vào nồi trước khi nấu sẽ khiến cơm ngon và lâu thiu hơn. Thậm chí ngay cả những ngày nắng nóng, muối có thể bảo quản được cơm mà không cần cho vào tủ lạnh.
Khi nấu cơm nguội còn thừa từ hôm trước, nên cho thêm chút nước muối loãng vào nấu cùng, mùi vị khác lạ sẽ bị loại bỏ.
Thêm chút dầu mè
Trước khi nấu, có thể thêm chút dầu mè vào nồi để cơm thơm ngon sau khi chín. Bạn có thể so sánh một nồi cơm không có dầu mè và một nồi cơm có chút xíu dầu mè sẽ thấy sự khác biệt.
Cả ba gia vị này (giấm, muối, dầu mè) cho vào nồi trước khi nấu. Sau 30-40 phút đợi cơm chín, rút điện rồi mở nắp nồi để hơi nước thoát ra ngoài. Lúc này dùng thìa xới lên cho hạt cơm nở đều. Thành phẩm có được sẽ là những hạt cơm mềm, thơm, có kết cấu dẻo và dai.
Lưu ý cơ bản khi nấu cơm
Gạo mới ngon hơn gạo cũ: Gạo trên thị trường có thể chia thành gạo mới và gạo cũ. Gạo cũ để lâu mất nhiều chất dinh dưỡng, khi nấu không thơm, mùi vị kém. Trong khi gạo mới lại giàu chất dinh dưỡng, cơm nấu ra mềm, dai và đặc biệt thơm ngon.
Không vo gạo quá nhiều lần: Chất dinh dưỡng của gạo nằm chủ yếu trên bề mặt. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen vo gạo nhiều lần sẽ khiến gạo mất đi đến 60% các chất dinh dưỡng cần có. Các chuyên gia khuyên chỉ nên vo gạo 1-2 lần là đủ và khi vo không nên chà xát mạnh, chỉ khuấy nhẹ nhàng.
Ngâm gạo trước khi nấu: Sau khi vo gạo, cho một lượng nước vừa đủ với loại gạo sẽ nấu và để ngâm 15 - 30 phút rồi mới bắt đầu cắm điện. Với bất cứ loại gạo nào, việc ngâm gạo trước khi nấu sẽ giúp cơm nhanh chín, tơi xốp mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Tỷ lệ khi đong nước nấu cơm: Khi nấu cơm, nếu cho nhiều nước cơm sẽ nát, nếu cho ít nước cơm sẽ khô cứng. Tỷ lệ tốt nhất giữa gạo với nước là 1: 1,2 hoặc 1,5. Để xác định lượng nước tiêu chuẩn, dùng ngón tay trỏ đặt vào phần nước. Mực nước cao hơn gạo khoảng một khớp ngón trỏ là được.
Ngoài ra, khi nấu cơm nên dùng nước sôi thay vì dùng nước lạnh. Nguyên do là nước sôi khiến gạo nhanh chín và dẻo hơn. Việc này vừa giúp rút ngắn thời gian vào bếp vừa làm gạo chín đều và giữ lại chất dinh dưỡng.