Áo bà ba - biểu trưng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Nam Bộ
Sự kiện Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 sẽ chính thức khai mạc vào chiều tối 29/9 tại khu Hồ Sen, thành phố Vị Thanh, nhưng hình ảnh chiếc áo bà ba đã được cán bộ, người dân Hậu Giang hưởng ứng từ nhiều ngày qua.
Giá trị văn hóa lịch sử của chiếc áo bà ba cũng được lan truyền sâu rộng cùng với vẻ đẹp thuần hậu, mộc mạc, dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ. Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam Bộ thuở sơ khai với bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá kết hợp trở thành nét biểu trưng, đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Hậu Giang. Áo ba ba từ đó đã trở thành biểu tượng, là kết tinh của quê hương xứ sở.
Ngày nay, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Hậu Giang đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa, nhất là văn hóa đặc sắc của quê hương gắn với áo bà ba. Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông qua sự kiện Festival Áo bà ba, Hậu Giang mong muốn sẽ trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với bạn bè, đối tác, du khách trong và ngoài nước. Tỉnh kỳ vọng Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 sẽ đóng góp tích cực để tỉnh đạt được mục tiêu “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, để từng bước xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước vào thời gian không xa.
Các ngành, các cấp của tỉnh Hậu Giang nồng nhiệt hưởng ứng sự kiện đặc biệt này. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động Tuần lễ Áo bà ba, bắt đầu từ 25/9 đến ngày 1/10, nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh áo bà ba, tôn vinh giá trị truyền thống của trang phục áo bà ba trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, giá trị truyền thống trong mỗi phụ nữ, người dân.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh đây là một trong những hoạt động góp phần tôn vinh giá trị của áo bà ba trong đời sống xã hội. Từ đó, để mọi người tự hào và thấy trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống này. Hội phát động 100% cán bộ hội chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở, hội viên, phụ nữ; khuyến khích lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tỉnh ưu tiên chọn trang phục áo bà ba trong các hoạt động ở công sở, trường học, đơn vị, các sự kiện trong gia đình và xã hội; tạo sức lan tỏa bằng nhiều hình thức, nhất là mạng xã hội, để tạo nên một hình ảnh đẹp.
Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Hậu Giang, bà Trần Thị Thu Hiền chia sẻ, hưởng ứng Festival Áo bà ba, bà có cơ hội mặc liên tục, thấy trang phục áo bà ba đi làm rất thoải mái. Cùng với đó, giá một bộ áo bà bà rất hợp với túi tiền cán bộ, viên chức nhà nước. Em Phạm Trần Như Bình (học sinh lớp 1A3, Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh) rất thích thú khi mặc áo bà ba đi học. Em cho biết trong lớp, trong trường có nhiều bạn, anh chị mặc áo bà ba đi học.
Tỉnh Hậu Giang có lợi thế tự nhiên ưu việt so các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh là một trong những trung tâm lúa gạo của vùng Tây Nam Bộ và nguồn thủy sản phong phú. Cùng với đó, tỉnh còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch, giữ được cảnh quan thiên nhiên hoang sơ. Vì vậy, Hậu Giang xây dựng, phát triển một hệ sinh thái kinh tế và văn hóa tuần hoàn sẽ góp phần vào việc định vị thương hiệu của tỉnh. Festival Áo bà ba Hậu Giang 2023 là sự kiện văn hóa sẽ tạo ra tiềm năng vô tận để gìn giữ những nét đẹp của truyền thống, góp phần đưa Hậu Giang trở thành điểm đến của du khách, nhà đầu tư.
Festival Áo bà ba - Hậu Giang 2023 diễn ra chính thức từ ngày 29/9 - 1/10 với 4 hoạt động chính: Triển lãm ảnh Chiếc áo bà ba xưa và nay, Triển lãm tranh vẽ bằng công nghệ AI dành cho học sinh Tiểu học và Trung học Cơ sở, Chương trình nghệ thuật “Nụ cười Hậu Giang” và chương trình trình diễn áo bà ba trên sông.