Nướng tiền vào bánh Trung thu
Hơn 20 năm trước, với một đứa trẻ như tôi, bánh Trung thu nhân yến sào hay khoai môn là thứ chỉ có trên tivi, dành cho những người thích trải nghiệm độc lạ chứ không phải để chung vui vào dịp lễ này.
Cha mẹ tôi thường chỉ đặt lên bàn thờ một cặp bánh nướng dẻo nhân thập cẩm truyền thống để tưởng nhớ tổ tiên.
Giờ đây, thói quen thắp hương bằng bánh truyền thống của cha mẹ tôi vẫn vậy, còn danh mục các loại bánh mới lạ vẫn không ngừng mở rộng, lấn lướt, đến mức đẩy bánh Trung thu truyền thống thành thứ hiếm hoi, xa xỉ.
Bánh Trung thu có vị trí đặc biệt trong văn hóa quà tặng ở nhiều quốc gia phương Đông. Người dân các nước này thường tặng quà nhau vào hai dịp lễ quan trọng nhất theo lịch Mặt Trăng: Trung thu và Tết Nguyên đán.
Có rất nhiều loại quà để lựa chọn vào dịp Tết, còn Trung thu gần như chỉ có một thứ. Bánh Trung thu truyền tải ý nghĩa gia đình sum vầy trà bánh dưới trăng. Mang hình ảnh đầy thanh bình và hoài niệm trong nhịp sống hiện đại hối hả, bánh Trung thu trở thành thông điệp đẹp và ý nghĩa để trao cho nhau, cả trong không gian gia đình, họ hàng lẫn công sở.
Giá trị bất biến và khả năng lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa tặng quà Trung thu biến món bánh này thành một thị trường toàn cầu, không giới hạn nhà cung cấp. Các doanh nghiệp coi Trung thu như một dịp kinh doanh lớn và đã biến hóa vô tận ở phần nhân bánh. Bột nếp của phương Đông được nhào trộn với các hương vị Tây phương, như kem, chocolate, phô mai để tạo thành món bánh sang trọng, lạ miệng và cũng rất lạ lẫm... về giá tiền.
Sáng tạo về công thức là chưa đủ, các hãng còn chạy đua nâng cấp về vỏ bọc và ngoại hình. Năm 2010, một mẫu bánh Trung thu tại Thượng Hải được bán với giá 57 USD chỉ vì nó được bọc trong chiếc hộp sang trọng kèm búp bê Barbie. Bánh Trung thu giờ đây không cần phải mang hình dạng trời tròn, đất vuông mà đủ cả, từ dáng cá, hình chim cho tới Snoopy hay Hello Kitty...
Điều nghịch lý là ngành công nghiệp bánh Trung thu, chỉ diễn ra mỗi năm một lần, bành trướng vô hạn nhưng người tiêu dùng lại hạn chế tiêu thụ chúng như một món ăn. Khía cạnh được quan tâm nhất có lẽ là câu hỏi "bao nhiêu calo?". Món này được coi như một "quả bom calo" trong đời sống đang dư thừa vật chất và bệnh tật do các loại nhân của nó ngày càng trở nên đắt đỏ, đi kèm với lượng đường và chất béo tăng cao hơn.
Do đó, bánh Trung thu dần bị thu hẹp vào chức năng quà tặng. Mà đã là quà tặng thì "tốt nước sơn hơn tốt gỗ". Một báo cáo gần đây của iiMedia cho thấy từ năm 2016 đến 2021, quy mô thị trường hộp quà tặng bánh Trung thu của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi từ 1,7 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD. Loại thực phẩm này thậm chí thu hút sự quan tâm của các hãng thời trang xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton, Dior để làm quà tặng cho những khách hàng thượng lưu của họ. Năm 2021, hãng đồng hồ Thụy Sĩ Audemars Piguet từng được trầm trồ vì hộp quà bánh Trung thu rất độc đáo. Chiếc hộp được thiết kế như một lồng đèn. Khoảng giữa có hai chú thỏ ngọc đang chơi đùa dưới một chiếc đèn LED mô phỏng mặt trăng. Bánh được cất giấu vào các ngăn phía dưới.
Ouyang Kun, người đứng đầu văn phòng Bắc Kinh của nhóm nghiên cứu Hiệp hội Hàng xa xỉ thế giới từng lý giải trên tờ South Morning China Post, rằng bánh Trung thu được đóng gói quá kỹ, đôi khi được bọc bằng giấy vàng 18 karat. Đó là lý do chúng đắt và vẫn tăng giá được, chứ không phải vì cái bánh ngon hơn.
Cuộc chạy đua về vỏ bọc này khủng khiếp đến mức chính quyền Trung Quốc coi bánh Trung thu như là biểu tượng của "tham nhũng dịp lễ hội", khi doanh nghiệp dùng món quà đắt tiền này để lấy lòng quan chức. Trung Quốc đã phải ban hành các chỉ thị giới hạn về hình thức và giá cả của hộp quà Trung thu trong ba năm 2005, 2013 và 2022 - ngay sau khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục hậu Covid. Vỏ hộp bánh dần bị coi là vật thể hữu hình cho địa vị và quyền lực ngầm.
Sự xuất hiện tràn lan của các vỏ hộp quà cồng kềnh dạng rương kho báu, vali, cung điện còn đem đến hậu quả về môi trường. Theo ước tính từ các tổ chức từ thiện môi trường Hong Kong Food Grace và Green Community, riêng tại Hong Kong, hơn 4,64 triệu chiếc bánh không sử dụng sót lại sau Trung thu năm ngoái đã được đưa tới bãi rác thành phố. Đi kèm với chúng là khoảng một triệu vỏ hộp đẹp long lanh nhưng có thành phần hỗn hợp bìa cứng, nhựa, vải không dệt và các vật liệu khó phân tách và tái chế. Tình trạng này tạo ra vấn đề kép: các nhà sản xuất tiếp tục khai thác thiên nhiên để chế ra vỏ hộp mới, rồi lượng chất thải khổng lồ khó tái chế này lại gây ô nhiễm tiếp toàn bộ môi trường xung quanh.
Tôi hiểu, như mọi mặt hàng khác, bánh Trung thu chịu sự điều tiết của thị trường, của quy luật cung - cầu. Nó cũng không phải loại hàng hóa thiết yếu để phải đưa vào danh mục bình ổn giá. Nhưng văn hóa và thói quen thì có thể điều chỉnh và thay đổi. Truyền thống tặng quà và tiêu thụ bánh Trung thu có lẽ cần được cân nhắc một cách có trách nhiệm hơn. Vấn đề ở đây không chỉ là bánh đắt hay rẻ mà là sự tiêu thụ vô độ đang gây hại môi trường và làm hời hợt dần các mối quan hệ xã hội.
Liệu việc không ngừng theo đuổi các cải thiện vật chất bề ngoài có phải là chìa khóa dẫn đến sự bền chặt trong quan hệ giữa cá nhân và các tổ chức? Làm sao để ta cố gắng đạt được sự cân bằng giữa tiêu dùng và những khía cạnh vô hình hơn của cuộc sống như trách nhiệm giữ gìn môi trường và những giá trị lâu đời của địa phương?
Dẫu biết trong thời đại của tiêu dùng toàn cầu này, quay về với những gì bình dị là một việc khó khăn, nhưng những câu hỏi trên đáng để ta ngẫm nghĩ dưới ánh trăng thanh bình, bên những người thân yêu.