Nghỉ Tết ngày nào cho thuận?
Nghỉ Tết Nguyên đán sớm sẽ tránh được áp lực giao thông cuối năm. Người lao động có nhiều thời gian chuẩn bị Tết bên gia đình.
Mới cuối tháng 9 dương lịch và giữa tháng 8 âm lịch nhưng những bàn luận về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã khá sôi nổi khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án nghỉ Tết để xin ý kiến các bộ, ngành.
Phương án một, nghỉ từ ngày 8-14/2/2024 (29 tháng chạp năm Quý Mão đến hết mùng 5 tháng giêng năm Giáp Thìn). Phương án hai, nghỉ từ ngày 9-15/2/2024 (30 tháng chạp năm Quý Mão đến hết mùng 6 tháng giêng năm Giáp Thìn).
Điểm chung của hai phương án này là người lao động đều được nghỉ 7 ngày nhưng khác ở chỗ chọn thời điểm nghỉ bắt đầu từ 29 hay 30 tháng chạp.
Câu chuyện nghỉ Tết khi nào và bao lâu luôn là bài toán chính sách được đưa ra mỗi năm vào dịp này và ít nhiều gây tranh luận. Năm ngoái, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất phương án cho người lao động được nghỉ Tết bắt đầu từ 30 tháng chạp khiến nhiều người không đồng tình vì nghỉ thời điểm này quá muộn và cuối cùng đã chọn phương án nghỉ từ 29 Tết. Năm nay bộ này lại đưa ra phương án như vậy.
Người thân của tôi làm việc tại khu công nghiệp Long Khánh, tỉnh Đồng Nai kể vì lịch nghỉ Tết muộn nên năm nào chị cũng vội vã, tay xách nách mang chuẩn bị mọi thứ để cả gia đình về Hải Dương đón Tết. Những ngày cuối năm ở các bến xe gần các khu công nghiệp của Đồng Nai luôn kẹt cứng vì tắc đường. Người người chen nhau về quê. Năm ngoái, chị đã bị lạc mất con gái mãi đến trưa mới tìm thấy cháu nên rất sợ cảnh chen chúc về quê đón Tết. Chị muốn cắt phép nghỉ sớm vài ngày cũng không được vì dây chuyền sản xuất mặt hàng điện, điện tử phân công mỗi người một vị trí nên nghỉ không dễ.
Tại sao Chính phủ không cho nghỉ Tết sớm hơn? Nghỉ Tết sớm sẽ tránh được áp lực giao thông cuối năm. Người lao động cũng có thời gian chuẩn bị về quê chăm lo gia đình và chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy, ấm cúng.
Hải Dương có không ít lao động đi làm việc ở các tỉnh phía Nam và ngược lại tỉnh cũng có khoảng 60.000 lao động tỉnh ngoài, chiếm gần 20% tổng số lao động đang làm việc tại địa phương. Đa phần lao động đến từ các tỉnh miền múi phía Bắc, nếu nghỉ Tết sớm sẽ bớt phần nào vất vả cho họ vì đường xa.
Theo quan niệm của người Việt, Tết thường bắt đầu từ sau ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Công, ông Táo, vì vậy nhiều người rất muốn được nghỉ Tết sớm để về với gia đình. Tâm lý người lao động phải làm việc những ngày cận Tết cũng phấp phỏng, đứng ngồi không yên và hiệu quả không cao.
Theo khảo sát trực tuyến với 1.000 lao động ngẫu nhiên trong cả nước về phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 thì có tới 93% muốn nghỉ từ 28 âm lịch, 4% chọn ngày 29 và chỉ 3% chọn ngày 30 tháng Chạp. Như vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội qua thực tế khảo sát nhiều năm, đánh giá những thuận lợi, khó khăn thì không nên đưa ra phương án nghỉ Tết từ ngày 30 tháng chạp.
Hơn nữa lịch nghỉ Tết cũng nên được Chính phủ cân nhắc quyết định sớm để các doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất, kinh doanh. Đưa ra bàn thảo từ tháng 9, tháng 10 nhưng đến gần Tết dương lịch mới quyết định là quá muộn và ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất và việc chăm lo Tết cho người lao động.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên thay đổi cách làm. Có thể đưa ra số ngày và thời điểm nghỉ Tết cố định hằng năm trên cơ sở bảo đảm đúng quy định của Bộ luật Lao động. Việc nghỉ Tết bù trước hay sau Tết có thể linh hoạt để doanh nghiệp tự quyết định cho phù hợp. Thời gian nghỉ Tết nên bắt đầu từ ngày 28 Tết là phù hợp. Như vậy, người lao động sẽ có khoảng 2 ngày để sắp xếp về quê. Những người ở xa nhất cũng không phải vội vàng vì lo lỡ tàu xe hay máy bay.
Quyết định hợp tình, hợp lý về thời gian nghỉ Tết sẽ giúp giải quyết hàng loạt các vấn đề về giao thông, sản xuất và an sinh xã hội. Người dân có thể đón Tết vui vẻ mà không bị áp lực về thời gian nghỉ dài hay ngắn, nghỉ sớm hay muộn.