Nga cấm xuất khẩu nhiên liệu gây tác động ra sao tới thị trường thế giới?
Hôm 21/9, Nga tuyên bố sẽ tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel tới tất cả các quốc gia trừ 4 quốc gia thuộc Liên Xô cũ, để đối phó với tình trạng thiếu hụt trong nước.
Theo các nhà phân tích, động thái này sẽ gây gián đoạn thị trường thương mại toàn cầu, vốn đã phải điều chỉnh theo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nhiên liệu Nga.
Đến ngày 25/9, Nga đã nới lỏng một số lệnh cấm. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao vẫn được áp dụng.
Giới chuyên gia cho rằng các nhà nhập khẩu vẫn sẽ phải tìm nguồn cung thay thế cho đến khi Nga có thể lấp đầy kho dự trữ trong nước.
Các thương nhân cho biết thị trường nhiên liệu ở Nga, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố - bao gồm vấn đề bảo trì tại các nhà máy lọc dầu, tình trạng tắc nghẽn đường sắt và đồng rúp suy yếu thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nhiên liệu.
Dù đã cố gắng giải quyết tình trạng thiếu dầu diesel và xăng trong những tháng gần đây, nhưng Nga buộc phải chuyển sang hạn chế xuất khẩu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhiên liệu xảy ra.
Tác động tới thị trường nhiên liệu thế giới
Lệnh cấm diesel sẽ có tác động rất lớn tới thị trường nhiên liệu toàn cầu, bởi Nga là nước xuất khẩu nhiên liệu bằng đường biển hàng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ.
Theo công ty phân tích dầu mỏ Vortexa, Moskva đã vận chuyển trung bình 1,07 triệu thùng dầu diesel/ngày từ đầu năm đến ngày 25/9, chiếm hơn 13,1% tổng giao dịch dầu diesel bằng đường biển.
Trong khi đó, Vortexa cho biết xuất khẩu xăng của Nga ít quan trọng hơn nhiều đối với thị trường thế giới. Từ đầu năm tính đến ngày 25/9, Moskva vận chuyển trung bình 110.000 thùng xăng/ngày.
Nga cho biết hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục được nối lại sau khi thị trường nội địa ổn định, song giới chức không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Các nhà phân tích dự đoán lệnh cấm dầu diesel của Nga có thể kéo dài tới 2 tuần trước khi nước này bổ sung nguồn dự trữ và tiếp tục xuất khẩu.
Trong khi đó, JP Morgan cho biết tình trạng này có thể kéo dài vài tuần cho đến khi mùa thu hoạch kết thúc vào tháng 10. FGE Energy lại nói rằng việc bổ sung lượng xăng dự trữ của Nga có thể mất tới 2 tháng.
Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Moskva đã chuyển hướng xuất khẩu dầu diesel và các nhiên liệu khác sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước Bắc và Tây Phi, cũng như các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông.
Các quốc gia vùng Vịnh, nơi có các nhà máy lọc dầu lớn, cũng tái xuất khẩu nhiên liệu. Và dữ liệu của LSEG cho thấy lệnh cấm của Nga sẽ làm thay đổi dòng chảy đó một lần nữa. Từ đầu năm đến ngày 25/9, nguồn cung dầu diesel từ các cảng của Nga đến Brazil đạt khoảng 4 triệu tấn. Trong khi đó, con số này trong cả năm 2022 đạt 74.000 tấn. Nhiên liệu của Nga đã thay thế nguồn nhập khẩu dầu diesel của Brazil từ Mỹ.
Các nguồn tin thị trường cho biết lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel kéo dài của Nga có thể buộc Brazil phải nhập khẩu thay thế tới 400.000 tấn nhiên liệu/tháng. Sau lệnh cấm vận của EU, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến hàng đầu của dầu diesel từ các cảng của Nga, tổng cộng khoảng 7 triệu tấn kể từ khi lệnh cấm được áp đặt từ đầu năm nay. Tuy nhiên, các thương nhân cho biết thêm Ankara vẫn có thể mua dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao từ Nga.
Nguồn cung thay thế Nga
Các nhà giao dịch và vận chuyển cho biết các quốc gia châu Phi dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nguồn cung xăng và dầu diesel vận chuyển từ Trung Đông, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Dữ liệu theo dõi vận chuyển từ Kpler và hai công ty môi giới tàu cho thấy ít nhất 132.000 tấn dầu diesel giao tháng 9 sẽ từ nhà máy lọc dầu Duqm mới của Oman chuyển tới châu Phi.
Trong khi đó, các thương nhân cho biết các nhà nhập khẩu Mỹ Latinh có thể sẽ chuyển sang các nguồn cung ở vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ và Trung Đông.
Theo Kpler và một nguồn môi giới tàu biển, xuất khẩu dầu diesel từ Trung Đông sang Mỹ Latinh hiện ở mức cao nhất trong 8 tháng, với sản lượng 315.000 tấn.
Châu Âu cũng có thể lấp đầy phần nào khoảng trống do lệnh cấm xăng dầu của Nga để lại. Công ty tư vấn FGE cho biết các nhà cung cấp Tây Bắc Âu, vốn đã mất thị phần ở Tây Phi vào tay Nga trong năm nay, có thể nhảy vào thị trường này.
Tác động với châu Âu
Kể từ khi cấm nhập khẩu nhiên liệu của Nga, châu Âu đã tìm kiếm nguồn cung khác, bao gồm Trung Đông. Nỗ lực cạnh tranh để giành được những nguồn cung đó giờ đây sẽ càng gay gắt hơn, do lệnh cấm của Nga. Và điều này sẽ có tác động dây chuyền đến châu Âu.
Trong bối cảnh đó, các thương nhân cho biết họ kỳ vọng các nhà máy lọc dầu Đông Bắc Á – như Trung Quốc và Hàn Quốc – sẽ thúc đẩy xuất khẩu dầu diesel sang châu Âu.
Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 190.000 tấn dầu diesel sang châu Âu trong tháng 9. Dự kiến, khoảng 45.000 tấn dầu diesel cũng sẽ được vận chuyển đến các nước phương Tây vào tháng 10 tới.