Phong tục - Lễ hội

Sục sôi hào khí Đông A

TIẾN HUY 01/10/2023 10:00

Ở nghi môn đền Kiếp Bạc có 2 câu đối: Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/ Lục Đầu vô thủy bất thu thanh, của Tam nguyên Vũ Phạm Hàm. Nghĩa là: Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi gươm kiếm/ Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh...

W_dsc_6425.jpg
Màn hội quân tái hiện Hào khí Đông A tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022. Ảnh: Thành Chung

Ngọn núi nào cũng vương hơi kiếm

Chỉ vậy thôi, đã thấy hồn thiêng sông núi, khí thế ngất trời của quân và dân các triều đại, nhất là thời Đại Việt còn mãi vang vọng trên vùng đất Vạn Kiếp linh thiêng. Khí thế ấy đã làm nên một Đại Việt oai hùng, bất bại, khí thế của những tướng sĩ một lòng phụ tử, trước một đạo quân hùng mạnh, tinh nhuệ nhưng bạo tàn bậc nhất thế giới lúc bấy giờ.

Lễ diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu được phục dựng năm 2006. Chỉ có ít mùa Lễ hội quân không được tổ chức do dịch Covid-19, còn năm nào lễ diễn xướng cũng được tổ chức dưới sự chứng kiến của hàng vạn nhân dân hai bên bờ Lục Đầu Giang huyền thoại. Đây được coi như một "lễ diễu binh trên sông" để biểu dương, tái hiện sức mạnh của cha ông ta thuở trước. Đây cũng là lễ hội quân trên sông duy nhất tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ một lễ hội đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

W_dsc_6419a.jpg
Biểu dương sức mạnh của quân dân Đại Việt qua màn biểu diễn võ thuật của môn phái Nhất Nam Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Dưới trời mây tháng tám trong xanh, Lễ hội quân không chỉ thể hiện sức mạnh đoàn kết một lòng, mà còn để tưởng nhớ về một thời oanh liệt, những trận thủy chiến diệt giặc Nguyên Mông lẫy lừng trong lịch sử. Và tưởng nhớ về linh hồn của các cuộc chiến kinh điển đó - Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo - người đã gắn bó đời mình với mảnh đất Vạn Kiếp tụ khí linh thiêng. Ông đã được người đời tôn là Đức Thánh. Cho đến cả khi mất đi, ông vẫn ở lại với mảnh đất này. Theo sử sách, đền Vạn Kiếp thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được khởi dựng từ năm 1300, ngay sau khi ông qua đời.

Theo Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Nguyễn Thị Thùy Liên, Lễ hội quân trên sông Lục Đầu có tính chất liên vùng, liên tỉnh. Các ngư dân nơi khác dù đang đánh bắt xa bờ cũng nhớ ngày tháng tám giỗ Cha, cùng gác lưới trở về hội quân, biểu dương sức mạnh.

Trước khi màn hội quân bắt đầu, 2 đoàn thuyền đã tập kết phía trước đền Bắc Đẩu và Cồn Kiếm, nghe lệnh để bắt đầu tiến qua lễ đài.

Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng/ Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo. Thuyền đánh cá của ngư dân khắp nơi đã biến thành các chiến thuyền băng băng trên mặt sóng. Ngư dân vốn chỉ quen với mái chèo, mảnh lưới đã khoác lên mình những bộ trang phục của quân sĩ nhà Trần với giáo, gươm sáng quắc, đồng thanh hô hào thị uy sức mạnh. Tiếng trống thúc, tiếng quân reo xung trận vang dậy khắp một vùng sóng nước. Hào khí Đông A thuở trước lại về!

Cả một khúc Lục Đầu Giang cuộn sóng. Hàng nghìn ánh mắt của nhân dân dõi theo các chiến thuyền quần thảo giữa dòng sông ngầu sắc đỏ. Hình ảnh ông cha ta hơn 7 thế kỷ trước được tái hiện thực hào hùng, xúc động.

Những người nông dân áo vải, những ngư dân xưa vốn chỉ quen với ruộng đồng, sông nước, vốn chỉ mong được yên ổn làm ăn, mùa màng tươi tốt, bệnh tật tiêu trừ thì bỗng chốc giặc tràn về, làng xóm điêu linh, buộc phải cầm giáo gươm đánh giặc. Mà thứ giặc họ phải đương đầu không phải là "giặc cỏ", bởi vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu thì cỏ không mọc được, đến đâu thì thành bình địa đến đó. Thứ giặc họ phải đối đầu là đạo quân tinh nhuệ bậc nhất, chinh phạt khắp các châu lục, từ bé đã được dạy cầm binh khí, thời gian chinh chiến trên lưng ngựa còn lâu hơn lúc ở nhà...

Sau khi chinh phục được nhiều quốc gia và xây dựng nên một đế chế hùng mạnh từ bờ đông biển Hắc Hải đến bờ tây Thái Bình Dương, quân Mông Cổ tiếp tục tấn công hòng chinh phục Nam Tống và đánh chiếm các nước ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á.

Tháng 1/1258, khoảng 4 vạn quân Mông Cổ do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến hành xâm lược Đại Việt, tuy nhiên đội quân này đã bị quân và dân nhà Trần đánh bại.

Cùng năm đó, quân giặc đánh chiếm nước ta lần thứ hai với quy mô lớn nhất khoảng 60 vạn quân. Dù mức độ ác liệt hơn, song giặc vẫn chịu thất bại.

Năm 1288, quân Nguyên Mông tiếp tục tiến công xâm lược lần thứ ba với mục đích rửa “nỗi nhục” với đất nước nhỏ bé này và một lần nữa chúng lại phải cúi đầu khuất phục trước quân dân Đại Việt.

Như vậy, trong vòng 30 năm, dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần, quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi. Yếu tố cơ bản, quan trọng trong các chiến thắng vang dội đó là “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức” và sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt của Bộ Thống soái Đại Việt, đứng đầu là các vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Vạn Kiếp non cao rồng dẫn mạch

W_dsc_6455.jpg
Biểu diễn lân sư rồng tại Lễ hội quân trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022. Ảnh: Thành Chung

Vạn Kiếp không ngẫu nhiên trở thành vùng đất được Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chọn làm nơi đặt đại bản doanh, mà bởi do nơi đây có cảnh sắc và hình sông, thế núi của "Cõi thiên bồng dưới trời Nam" tụ sơn hội thủy, hùng vĩ, linh thiêng. Núi tiếp núi lô xô, uốn lượn như rồng bay và bừng bừng kiếm khí. Sông nước từ tứ phía đổ về đây mênh mang bát ngát. Quả thực là: Vạn Kiếp non cao rồng dẫn mạch/ Lục Đầu nước biếc hổ chầu về!

Vạn Kiếp được coi là nơi trời bày, đất dựng, vị trí đắc địa, hình thế hiểm yếu, là phên dậu vững chắc của Kinh thành Thăng Long. Sau khi được Hưng Đạo vương chọn làm nơi đặt đại bản doanh, Kiếp Bạc đã trở thành căn cứ quân sự thủy bộ kết hợp lợi hại đối với đường tiến, đường lùi của giặc ngoại xâm.

Trong Lễ hội quân không thể thiếu màn biểu diễn võ thuật, biểu dương lực lượng của các võ sinh môn phái Nhất Nam Hải Dương. Cảnh tượng các võ sĩ cường tráng đi quyền trong trống hội giục giã gợi nhớ về cuộc duyệt binh chuẩn bị lực lượng kháng chiến ở Đông Bộ Đầu vào tháng 8/1284 và cuộc hội 20 vạn quân ở Vạn Kiếp năm 1285 với khí thế "Sát Thát át cả sao Ngâu/ Hào khí Đông A ngút trời hùng tráng".

W_dsc_6411(1).jpg
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 dưới sự chứng kiến của hàng vạn nhân dân địa phương và du khách. Ảnh: Thành Chung

Theo truyền thuyết dân gian, dân tộc ta là di duệ của 50 người con theo Cha Rồng Lạc Long Quân xuống biển, sống giữa mênh mông sóng nước, có tài bơi lặn, thạo thủy chiến và lập nhiều chiến công to lớn. Tổ tiên nhà Trần cũng nhiều đời làm nghề đánh cá. Những chiến công chói lọi nhất của nhà Trần trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên đều gắn với bến sông, quân cảng: Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp hay Bạch Đằng lừng lẫy. Những trận thủy chiến ấy không những đè bẹp dã tâm xâm lược của kẻ thù mà còn giữ vững độc lập dân tộc, mở ra thời đại phát triển rực rỡ của nền văn minh Đại Việt, tạo đà cho các thế hệ con cháu vươn xa, làm chủ vùng biển và hải đảo biên cương Tổ quốc.

Và với kinh nghiệm, truyền thống đó, tài bắn cung, cưỡi ngựa và sự tàn bạo tột cùng của quân Nguyên từng làm các vương triều, quý tộc nhiều nước Á, Âu cúi rạp, nhưng đến nước ta đã bị quân dân nhà Trần đánh bại. Tướng giặc Triệt Triệt Đô khiếp sợ, phải uống thuốc độc tự sát.

Chiến thắng đã làm nức lòng người, nâng vị thế Đại Việt lên một tầm cao mới, tiếp thêm sức mạnh Phù Đổng cho cả dân tộc đang đồng lòng, dốc sức xây dựng non sông cường thịnh, sẵn sàng đối mặt với những cơn phong ba, thử thách ghê gớm đang chực chờ phía trước. "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ tiếc rằng chưa xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù. Dẫu cho thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, cũng nguyện xin làm" - những lời sục sôi, căm giận của Đức Thánh Trần Hưng Đạo trong Hịch tướng sĩ đã lý giải vì sao quân dân Đại Việt đã 3 lần đại thắng quân Nguyên.

Qua 3 lần đại thắng quân giặc ngoại xâm, sử sách đã lưu danh các tướng lĩnh nhà Trần: Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... Họ là những tướng lĩnh xông pha dưới sự chỉ huy của Đại tướng quân Trần Hưng Đạo, đã bao phen khiến quân thù khiếp vía.

Ba lần đánh bại quân Nguyên, kết thúc bằng một trận đại thắng huy hoàng, trước hết là nhờ "Trời đất cho nơi hiểm trở", song chủ yếu nhờ những bậc anh hùng hào kiệt, các vị thánh đế đồng hành cùng dân tộc: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các vị thánh đế đặt xã tắc lên trên hết, nêu cao chính nghĩa, dung dưỡng hào khí, trọng dụng nhân tài, "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục" nên đã được "Cả nước góp sức" tạo thành sức mạnh bách chiến, bách thắng, đập tan mọi sự hung hãn, bạo tàn.

Tháng tám giỗ Cha. Mùa thu năm nay, người dân khắp mọi miền Tổ quốc lại tìm về Vạn Kiếp linh thiêng, để được đắm mình vào Hào khí Đông A thuở trước, để thêm yêu non sông, đất nước, để tri ân công lao trời bể của các vị anh hùng, để giữ gìn nền hòa bình, thịnh trị muôn đời đất Việt.

TIẾN HUY