Xây dựng cơ chế tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ
Chiều 26/9, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Kiên Giang.
Ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Kiên Giang trong việc thực hiện Nghị quyết số 29, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá, qua 10 năm thực hiện, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được kiện toàn sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng dạy, học từng bước được nâng lên, đạt mức khá trong vùng và trên mức bình quân chung của cả nước...
Các chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đạt mức khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung cả nước, hoàn thành mục tiêu đề ra. Tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2016.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện, cả nước đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên ngành Giáo dục nói chung, của tỉnh Kiên Giang nói riêng sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là tình trạng thiếu giáo viên, vì vậy cần sự quan tâm của tỉnh về đầu tư cơ sở vật chất, cũng như có những giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn.
Đối với công tác giáo dục học sinh đồng bào dân tộc, Kiên Giang cần rà soát các chế độ, chính sách đã thực hiện để tiếp tục có những chính sách phù hợp hơn trong tình hình mới để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện cho học sinh phát triển toàn diện.
Theo ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, qua thực hiện Nghị quyết số 29, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99,92% ở tiểu học, 93,14% ở Trung học cơ sở, 67,11% ở Trung học phổ thông. Việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hằng năm đều tăng, tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ đạt 6,5%, trẻ 3 - 4 tuổi vào mẫu giáo đạt 70,63%, riêng trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,58%. Quy mô và chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng lên. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm và trường chuyên biệt; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến nay chiếm 52,05%.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, hiện Kiên Giang cũng gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế như: Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thị trấn, thành phố. Tình trạng quá tải học sinh ở các trường mẫu giáo, mầm non; việc thiếu biên chế kéo dài liên tục trong nhiều năm chưa có giải pháp khắc phục. Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường một số nơi còn hạn chế...
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trong thời gian tới, Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 60% trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.
Theo đó, Kiên Giang sẽ củng cố, hoàn thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp phục vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, gắn đào tạo với giải quyết việc làm và yêu cầu của cách mạng công nghệ lần thứ tư; chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đặc biệt giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển, ý chí xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhất là của lãnh đạo ngành, các địa phương về tầm quan trọng của đổi mới giáo dục và đào tạo; tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học; đa dạng hóa loại hình đào tạo, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, sáng tạo và kỹ năng vận dụng kiến thức và phát triển năng lực người học...