Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc
Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế... về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Dịch bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến gia tăng tại nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... và nhiều nơi khác, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị
Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Để bảo đảm việc cung ứng thuốc và kiểm soát giá các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo hình thức phù hợp, sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, các địa phương chỉ đạo cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi; chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn hực hiện đúng quy định về bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt là những trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý. Đối với các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược đề nghị khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ bằng hình thức phù hợp để bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở; nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, kinh doanh thuốc, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng hợp đồng cung ứng thuốc trúng thầu đã ký kết. Các cơ sở tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý giá thuốc, tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu
Theo các chuyên gia, điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Tuy nhiên, các bác sỹ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm vì thường sau khi nhiễm trùng kết mạc do virus, sức đề kháng của kết mạc kém đi dẫn đến dễ bội nhiễm vi khuẩn.
Các chế phẩm dinh dưỡng kết giác mạc hay được dùng như các dạng nước mắt nhân tạo giúp tăng cường khả năng hồi phục của bề mặt nhãn cầu, làm giảm kích ứng và giảm các triệu chứng khó chịu ở mắt. Các thuốc kháng viêm dạng corticoid (dexamethasone, hydrocortisone, flumetholon...) có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể để điều trị tình trạng viêm quá mức. Tuy nhiên, việc dùng các loại thuốc này phải được bác sĩ kê đơn và được theo dõi cẩn thận. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài…
Khi mắt có giả mạc, nhất thiết phải được làm thủ thuật bóc giả mạc nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề cho giác mạc. Thủ thuật này phải được làm ở phòng tiểu phẫu vô trùng để tránh bội nhiễm các vi khuẩn khác, nhiều khi phải bóc giả mạc tới vài lần mới khỏi viêm kết mạc.
Ngoài các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị.
Liên quan đến dịch bệnh đau mắt đỏ, Bộ Y tế mới đây đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND quan tâm chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; hướng dẫn triển khai biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Y tế và cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế. Đơn vị chức năng cần khuyến cáo đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm đau nhức...