Thú vị lớp học trải nghiệm
Dạy học theo hướng trải nghiệm sáng tạo là một trong những phương pháp dạy học hiệu quả theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà nhiều trường học ở Hải Dương đang áp dụng.
Lớp học không tường
Không còn gói gọn trong lớp học với bàn ghế, bảng phấn, thay vào đó là lớp học không tường của nhiều học sinh Trường Tiểu học Hà Kỳ (Tứ Kỳ) giữa không gian rộng lớn của cánh đồng lúa.
Các em được tận tay chạm vào từng ngọn cỏ, bông lúa. Em Phan Đoan Trang, học sinh lớp 5C cho biết: “Tiết học đã giúp chúng em quan sát kỹ hơn vẻ đẹp của cánh đồng, các bộ phận của cây lúa, tìm hiểu về quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa; cảm nhận được màu sắc, hương vị của cánh đồng lúa đang kỳ vào hạt”.
Cô Nguyễn Thị Hằng, Tổ trưởng tổ 4+5 cho biết học trò được tận mắt quan sát, so sánh màu sắc, cảm nhận mùi hương của lúa. Học sinh nắm được cách trồng và thu hoạch lúa, từ đó, góp phần dạy cho các em ý thức tôn trọng người làm ra hạt gạo vất vả và có trách nhiệm tiết kiệm trong sử dụng thực phẩm. “Khi các em hiểu bản chất sẽ có thể viết được những bài văn chất lượng hơn so với chỉ nghe giảng trên lớp và tiếp cận qua sách vở, tranh ảnh”, cô Hằng nói.
Tiết học môn công nghệ của Trường Tiểu học Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cũng rất sôi động. Giáo viên và học sinh khởi động tiết học với giai điệu của bài hát “Hoa cúc vàng”. Tên bài hát cũng là chủ đề của tiết học “Một số loài hoa phổ biến”. Dẫn dắt học sinh vào nội dung bài học, giáo viên đưa ra những câu hỏi liên quan đến bài hát để các em trả lời.
Tiết học thêm thú vị khi các em được tham gia vào các hoạt động khám phá. Lớp học không còn là những chiếc bàn ghế xếp ngay ngắn, thay vào đó là 6 cụm bàn học chia đều để các nhóm học sinh thảo luận. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, từng nhóm báo cáo nội dung đã thảo luận, các nhóm khác nhận xét. Xen kẽ vào đó học sinh được chơi các trò chơi liên quan đến tìm hiểu các loài hoa, được ra sân trường quan sát, tận mắt, tận tay cảm nhận, tìm hiểu về các loài hoa trong khuôn viên trường.
Em Nguyễn Bùi Khánh Chi, lớp 4A, Trường Tiểu học Cẩm Thượng cho biết em rất thích tiết học trải nghiệm vì được cùng các bạn chơi nhiều trò chơi, làm việc nhóm. “Được thăm vườn trường và tìm hiểu về các loài hoa ngoài thiên nhiên, giúp chúng em nhớ kiến thức bài học lâu hơn”, em Chi nói.
Cô Vũ Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Thượng cho biết mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là phát triển năng lực phẩm chất của học sinh, do đó cô Hoa đã đổi mới phương pháp dạy học bằng việc cho học sinh học nhóm, trải nghiệm thực tế trong phạm vi trường học. Cách dạy này huy động được vốn sống của học sinh để các em rút ra được những kiến thức thực tế nhất. Các em sẽ là người chủ động, khám phá, ghi nhận kiến thức, giáo viên chỉ gợi mở giúp học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ học tập.
Trao quyền chủ động cho học sinh
Dạy học trải nghiệm là phương pháp giáo dục hiện đại khuyến khích người học tham gia các hoạt động khám phá thực tế. Cô Vũ Thị Đông, Trường Tiểu học Vĩnh Hòa (Ninh Giang) cho biết giáo viên thường đưa học sinh ra khu thư viện xanh ngoài trời của trường để tổ chức các hoạt động học tập. Tại đây, các em được vui chơi, khám phá thế giới xung quanh, những trải nghiệm chân thực giúp các em tự tin hơn và rèn luyện kỹ năng sống, sinh hoạt hằng ngày, góp phần hình thành năng lực đặc thù và các phẩm chất cốt lõi. “Giáo viên phải trao quyền tự chủ cho học sinh, để các em tham gia vào tất cả các hoạt động của bài học, từ lên ý tưởng, thiết kế, chuẩn bị sản phẩm, thực hành thuyết trình và chia sẻ ý kiến với các bạn”, cô Đông cho biết.
Ngay từ năm đầu tiên thay sách giáo khoa lớp 1 đến nay, các trường đều chú trọng đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Thầy cô đã chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh… Các trường còn tổ chức các chuyên đề chung toàn trường; tham gia sinh hoạt chuyên môn theo cụm, chuyên đề, cuộc thi, giao lưu các cấp. Các bài dạy của giáo viên được tích hợp, lồng ghép liên môn, nội môn, ứng dụng giáo dục STEM đã tạo cơ hội cho học sinh tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, được vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào cuộc sống, đưa bài học ra cuộc sống và đưa cuộc sống vào bài học…
Để thực hiện có hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các trường linh hoạt phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng vận dụng phù hợp những phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học; tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống...