Động thái bất ngờ của Nga sau quyết định cấm xuất khẩu xăng dầu toàn diện
Sau khi công bố lệnh cấm xuất khẩu đối với tất cả các loại xăng và dầu diesel vào tuần trước, Liên bang Nga đã có một số sửa đổi lặng lẽ.
Ngày 21/9, Chính phủ Nga đưa ra các biện pháp hạn chế tạm thời đối với hoạt động xuất khẩu xăng và dầu diesel đến tất cả các quốc gia, ngoại trừ 4 thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu là Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Tuy nhiên, hai hôm sau, một văn bản sửa đổi đã được ban hành.
Hãng tin Reuters dẫn tài liệu đề ngày 23/9 của chính phủ Nga cho biết lệnh cấm vô thời hạn đối với tất cả các loại xăng và dầu diesel chất lượng cao vẫn được áp dụng.
Nhưng, Moskva quyết định dỡ bỏ các hạn chế đối với nhiên liệu được sử dụng cho một số loại tàu và dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao.
Nga cũng dỡ bỏ hạn chế đối với các lô nhiên liệu xuất khẩu của hai tập đoàn Russian Railways và Transneft vốn đã được cấp phép trước khi lệnh cấm ban đầu được công bố vào ngày 21/9.
Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu diesel lớn nhất và là nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm ngoái, các nhà máy lọc dầu của Nga xuất khẩu khoảng 2,8 triệu thùng sản phẩm dầu mỗi ngày.
Gần đây, theo dữ liệu từ ngân hàng Hà Lan ING, con số này đã giảm còn khoảng 1 triệu thùng/ngày, nhưng Nga vẫn là một nhà cung cấp lớn trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Những tháng gần đây, Nga phải đối mặt với tình trạng thiếu xăng và dầu diesel, đặc biệt là sau khi chính phủ nước này giảm một nửa mức trợ cấp cho các nhà máy lọc hóa dầu để đảm bảo cân đối ngân sách.
Tình trạng thiếu xăng và dầu diesel đã khiến giá bán buôn mặt hàng này tăng vọt trong khi giá bán lẻ vẫn được giới hạn để kiềm chế lạm phát.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở một số khu vực ở miền Nam, nơi được coi là vựa lúa mì của Nga vì tại đây nhiên liệu rất quan trọng để thu hoạch mùa màng.
Theo Reuters, nó có thể gây khó xử cho Điện Kremlin khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào tháng 3/2024.