Giá đấu biển số ô tô dần hạ nhiệt, "cuộc chơi" đang quay trở về giá trị thực
Nếu như phiên đấu giá biển số ô tô lần thứ nhất gây sốt vì đội giá cao ngoài sức tưởng tượng thì phiên thứ 2, thứ 3 vừa diễn ra có phần hạ nhiệt và dường như đang quay về đúng giá trị thực.
Giá đấu biển số ô tô dần "hạ nhiệt"
Ngày 25/9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tiếp tục đưa 48 biển số xe ô tô "lên sàn". Phiên đấu giá biển số ô tô lần thứ tư tiếp tục ghi nhận nhiều biển số có mức giá rất "dễ chịu". Đơn cử như biển "ngũ quý" 95A-111.11 của tỉnh Hậu Giang chỉ 145 triệu đồng. Các biển số thuộc hai thành phố lớn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn luôn hút khách và có giá đấu lên tiền tỷ, gồm: biển 51K-899.99 trúng đấu giá cao nhất với 2,74 tỷ đồng; biển 51K-979.79 với 1,82 tỷ đồng; biển 51K-866.66 với 1,165 tỷ đồng và biển 30K-599.99 trúng đấu giá 1,79 tỷ đồng; ...
Ngoài ra, các biển số còn lại được đưa ra đấu trong ngày 25/9 đều có mức giá vừa phải, không có nhiều đột biến, dao động từ 100 - 500 triệu đồng. Thậm chí, có 2 biển số được đấu giá thành công chỉ với 40 triệu đồng, bằng đúng mức giá khởi điểm, gồm 30K-566.11 của Hà Nội và 88A-617.89 của Vĩnh Phúc.
Trước đó, ngày 21/9, phiên đấu giá biển số xe ô tô lần thứ 2 kết thúc thành công với 18 biển số đã được "chốt giá" rất hợp lý. Ở phiên này, biển số trúng đấu giá cao nhất là 68A-299.99 của tỉnh Kiên Giang, với giá trị 2,55 tỷ đồng. Các biển số khác dao động từ vài trăm triệu đồng đến trên dưới 1 tỷ đồng. Biển số trúng đấu giá thấp nhất là 14A-822.88 của tỉnh Quảng Ninh, với 45 triệu đồng, tức chỉ chênh 1 bước giá so với giá khởi điểm.
Riêng hai biển số ngũ quý 37K-222.22 (Nghệ An) và 75A-333.33 (Thừa Thiên - Huế) vốn được nhận xét là top đầu của phiên đấu giá, nhưng có mức giá khá khiêm tốn so với mặt bằng chung, cụ thể là 810 triệu đồng và 745 triệu đồng.
Tương tự ngày 22/9, 18 biển số đẹp được tổ chức phiên đấu giá lần thứ 3 cũng có giá cuối cùng dao động từ thấp nhất là 45 triệu đồng (biển 66A-233.33 (Đồng Tháp) và cao nhất là 4,860 tỷ đồng thuộc về biển 51K-868.68 (TP Hồ Chí Minh).
Có thể thấy, loạt biển số đưa ra đấu ở phiên đấu ngày 25 cũng như ngày 22 và 21/9 có mức giá "chốt" phiên không quá cao, không có sự đột biến gây sốc so với phiên đấu thứ nhất ngày 15/9. Một phần có thể do đa số các biển số được đánh giá là không "đẹp" như phiên đầu tiên.
Người dân dần thích nghi, cuộc chơi đấu giá biển số trở về giá trị thực
Từ kết quả của 3 phiên đấu giá biển số ô tô vừa qua, một số ý kiến cho rằng, cuộc chơi đấu giá biển số dường như đang quay trở về giá trị thực.
Anh Nguyễn Quốc (Thái Bình), cũng là người tham gia vào các cuộc đấu giá cho biết: "Giá đấu biển số ở 3 phiên liên tiếp ngày 21, 22 và 25/9, tôi thấy cơ bản đã hạ nhiệt, về đúng với giá thực tế, không còn "ảo" như đợt đấu lần đầu hôm 15/9. Với mức giá đó thì chắc hẳn sẽ không có tình trạng "bùng cọc". Ở lần 1, tôi dự đoán có thể có một số người bỏ cọc vì giá trúng quá cao, phi thực tế".
"Đợt 1, có thể một số người quá hào hứng, hoặc có thể do nhân tố nào đó tác động khiến giá đấu cao đột biến như vậy. Biển ngũ quý 5, ngũ 8, đầu số các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hiếm thì cũng rất hiếm, giá cao cũng rất cao và xứng đáng nhưng thông thường cũng chỉ ở mức vài tỷ đồng hoặc thậm chí xấp xỉ 10 tỷ là cùng. Tôi vẫn nghĩ con số 14 hay 32 tỷ đồng là mức giá khó có giao dịch thực tế", anh Vũ Trọng, một người chơi xe biển đẹp lâu năm ở Hà Nội bày tỏ quan điểm.
Đánh giá về các phiên đấu biển số ô tô mới diễn ra, anh Phạm Thanh Tùng, một người đam mê sưu tầm xe biển đẹp có tiếng ở Hà Nội nhìn nhận: "3 phiên đấu giá vừa qua cho thấy, mức giá trúng cũng khá sát với giá biển số tôi từng giao dịch mua bán, chuyển nhượng. Nhiều biển số ở các tỉnh, thậm chí có mức giá trúng còn rẻ hơn so với giá trị thường được giao dịch trước đây trên thị trường biển số đẹp. Chẳng hạn như 90A-22222, 38A-55555 hay 37A-22222, có lẽ do những biển ở tỉnh đó ít người đấu nên giá không bị đội lên cao".
"Dạo một vòng ở các diễn đàn chơi xe biển đẹp, tôi còn thấy có người đăng thông tin muốn mua lại những biển này với giá chênh nhẹ. Hầu hết mọi người dường như đã hiểu luật chơi hơn. Giá đấu cũng đã chuẩn nên việc bỏ cọc có lẽ sẽ không xảy ra", anh Tùng nói.
Anh Nguyễn Tiến Thành (Hà Nội) lại cho rằng: "Giá biển số phiên thứ 2, 3 là thấp hơn nhiều so với phiên đấu ngày 15/9 nhưng vẫn cao so với giá trị thật. Bởi lẽ, đa số các biển đấu lần này không hẳn quá đẹp. Các biển ngũ quý "hot" đã tập trung vào phiên đầu nên những lần sau, người chơi bớt hào hứng và ít tham gia đấu hơn".
"Trước khi định danh biển số, mức giá 2, 3 tỷ đồng có thể mua được cả xe kèm biển. Giờ với số tiền đó, chỉ mua được một tấm biển ngũ quý, thậm chí chưa đủ để mua", anh Thành nói thêm.
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ với báo chí, có 3 khách hàng trúng đấu giá biển số xe siêu đẹp trong phiên 15/9 đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Các biển số xe này là 99A - 666.66 (giá trúng đấu giá 4,27 tỉ đồng); 43A-799.99 (giá trúng đấu giá 1,16 tỉ đồng) và 15K-188.88 (giá trúng đấu giá 650 triệu đồng). Người trúng đấu giá khi nộp tiền được trừ đi 40 triệu đồng đặt cọc trước phiên đấu.
Trong khi đó, 3 biển số có mức giá đấu cao nhất trong ngày 15/9 là 51K - 888.88 (32,34 tỷ đồng), 30K - 555.55 (14,12 tỷ đồng) và 30K - 567.89 (13,075 tỷ đồng) chưa được người trúng đấu giá nộp tiền.
Theo quy chế, giá khởi điểm của một biển số là 40 triệu đồng, mỗi bước giá là 5 triệu đồng. Người tham gia đấu giá cần đặt trước 40 triệu đồng cho mỗi biển số muốn tham gia và 100.000 đồng phí hồ sơ. Nếu không trúng đấu giá, số tiền 40 triệu đồng đặt trước sẽ được hoàn trả cho khách hàng trong vòng 3 ngày làm việc.
Trường hợp trúng đấu giá, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá (trừ đi 40 triệu đồng đã đặt trước) vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Ngay sau khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ Công an cấp hóa đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá gửi vào hòm thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.