"Cục đá" kỳ dị 3.000 năm tuổi ở Trung Quốc được bán với giá hơn 29 tỷ đồng
"Cục đá” khoảng 3.000 năm tuổi vừa được bán với giá hơn 29 tỷ đồng.
"Cục đá" có giá trị bằng cả một gia tài này hóa ra là một bảo vật hiếm có cách đây khoảng 3.000 năm ở Trung Quốc. Đây là tượng một con ếch đá được làm bằng đá cẩm thạch, có nguồn gốc từ thời nhà Thương (khoảng 1766 TCN - 1122 TCN).
Bức tượng cổ này có chiều dài 25 cm, thuộc bộ sưu tập tư nhân ở New York (Mỹ). Bức tượng vừa được bán trong phiên Sotheby's New York vào ngày 19/9, với mức giá là 1,2 triệu USD (khoảng hơn 29 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia, bức tượng con ếch 3.000 năm tuổi được chạm khắc tinh xảo. Cụ thể, bức tượng sử dụng kỹ thuật chạm khắc một cách khéo léo để thể hiện một con ếch cách điệu. Đặc biệt, hai chân sau của con ếch được tạo hình cẩn thận theo hình thức phù điêu, tức chạm nổi, có rãnh ở phần giữa.
Người thợ thời cổ đại còn sáng tạo trong việc làm mắt ếch bằng cách đục hai lỗ nhỏ và đặt trong hốc hình vuông.
Các chuyên gia cho biết, do người Thương tin vào "thế giới bên kia", nên các nghi lễ và việc thờ cúng tổ tiên đóng một vai trò quan trọng và thiết yếu trong cuộc sống của họ. Vì vậy, các tác phẩm nghệ thuật trong triều đại này chủ yếu là những chiếc bình bằng đồng được làm để phục vụ cho việc thờ cúng.
Ngoài ra, có nhiều cổ vật, di vật phục vụ cho các nghi lễ thời nhà Thương được chế tác từ ngọc bích, xương hoặc ngà voi. Tuy nhiên, các vật phẩm chạm khắc bằng đá cẩm thạch giống như con ếch trên rất hiếm khi được tìm thấy.
Trên thực tế, tính đến nay, chỉ có 3 bức tượng con ếch chạm khắc bằng đá cẩm thạch được tìm thấy thuộc triều đại nhà Thương. Trong đó, hai trong số ba bức tượng này có cùng xuất xứ, kích thước và hình dáng.
Một bức tượng thuộc bộ sưu sưu tập của Richard Bull, đã được bán đấu giá ở Sotheby's New York vào năm 1983. Một bức từng thuộc sở hữu của "bố già đồ cổ Trung Quốc" Giuseppe Eskenazi, đã được bán tại Sotheby's Hong Kong vào năm 2022, với giá khoảng 3,67 triệu USD.
Bức tượng thứ ba chính là cổ vật vừa được bán với giá 1,2 triệu USD.
Bức tượng 1,2 triệu USD có ý nghĩa gì?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, động vật là họa tiết phổ biến thường thấy trong những sản phẩm nghệ thuật trong thời nhà Thương. Bởi người dân trong triều đại này quan niệm rằng, nhiều loài động vật là cầu nối giúp họ có thể giao tiếp được với các vị thần hoặc tổ tiên của mình.
Chẳng hạn, cú, một loài chim sống về đêm, được người dân nhà Thương tin rằng là vị thần của những giấc mơ, đồng thời là sứ giả, đại diện cho sự liên kết giữa con người và thế giới tâm linh.
Thế nhưng, ý nghĩa của các vật phẩm, cổ vật mang họa tiết của ếch vẫn là chủ đề gây tranh cãi giữa các học giả. Theo đó, một số người coi ếch là dấu hiệu của sinh sản vì đây là con vật đẻ nhiều. Trong khi số khác lại cho rằng ếch được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng, vì chúng thường phát ra tiếng kêu to khi trời sắp mưa.
Nhà Thương, hay Ân Thương, là triều đại đầu tiên được xác nhận rõ ràng về mặt lịch sử của Trung Quốc.
Theo ghi chép trong lịch sử, triều đại nhà Thương có 30 đời vua trị vì, bắt đầu từ vua Thành Thang và cuối cùng sụp đổ ở vua Trụ, hay còn gọi là Trụ Vương. Nhà Thương là triều đại bắt đầu nổi lên từ phía Tây châu thổ sông Vị và sau đó thống nhất vùng đồng bằng ở phía bắc Trung Quốc.
Triều đại này xây dựng theo hình thức phong kiến phân quyền, có nghĩa là các nước chư hầu đều có sự độc lập nhất định trong quá trình quản lý và cai trị đất nước của mình, trong khi đó nhà vua sẽ có trách nhiệm trực tiếp với các chư hầu lớn…
Đặc biệt, các nước chư hầu đều phải tuân thủ về nghĩa vụ đóng thuế, tiến cống và thực hiện các nghĩa vụ của bậc quân thần theo quy định.