Điểm tựa lúc rủi ro cho người lao động
Không ai mong mình gặp tai nạn để nhận bảo hiểm, nhưng không may gặp rủi ro thì đó là quyền lợi của họ được hưởng. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện đầy đủ chế độ nhằm chia sẻ kịp thời với người lao động lúc khó khăn.
An tâm làm việc
Nhờ có bảo hiểm hỗ trợ kịp thời nên anh Bùi Hữu Trọng, công nhân Công ty TNHH Nishoku Technology (khu công nghiệp Tân Trường, Cẩm Giàng) có chi phí trang trải cuộc sống lúc ốm đau. Tháng 3/2023, anh Trọng tai nạn lao động tại xưởng sản xuất khi bị tủ điện nặng khoảng 5 tạ đổ đè vào chân làm gãy xương đùi. Bên cạnh việc điều trị tại bệnh viện anh phải điều trị phục hồi chức năng 4 tháng mới có thể đi lại được bình thường và đi làm trở lại. Nghỉ việc điều trị, anh Trọng cũng được công ty chi trả viện phí, hưởng 100% tổng lương và bảo hiểm chi trả chế độ 1 lần cho anh là hơn 43 triệu đồng. Anh Trọng nói: “Tôi chưa có gia đình nên khi gặp tai nạn bố mẹ phải chăm sóc, gia đình cũng khó khăn, được hưởng chế độ từ bảo hiểm tôi rất yên tâm”.
Nhớ lại 1 năm về trước, anh Nguyễn Huy Hà ở xã Thanh An (Thanh Hà) không thể tin mình còn sống. Đó là lúc anh đi làm ở Đông Triều (Quảng Ninh) giao hàng cho khách. Do đường dốc nên khi lôi được hàng xuống thì xe trượt bánh lao theo ép anh vào tường bị gãy xương sườn, xẹp phổi, tràn dịch lá lách. Nếu lúc đó chủ nhà không ra kịp thời thì có lẽ anh không sống nổi đến ngày hôm nay. Giám định y khoa, anh bị tổn thương cơ thể tỷ lệ 37%. Ngay khi gặp nạn, anh Hà được đưa đến Bệnh viện Quân y 7, sau đó chuyển ngay lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng bất tỉnh, điều trị khoảng nửa tháng sau đó anh về nhà không làm được gì. Giờ đây tuy đã khỏe mạnh hơn nhưng anh vẫn không làm được việc nặng. Điều anh Hà an tâm nhất là đã được công ty lo chi trả toàn bộ viện phí, bảo hiểm hỗ trợ kịp thời, giờ đây anh được hưởng hơn 800.000 đồng/tháng do tai nạn lao động. “Ngay khi tôi gặp nạn và điều trị trở về, doanh nghiệp đã phối hợp làm các thủ tục giúp tôi được hưởng bảo hiểm hằng tháng nhanh chóng, trang trải phần nào thuốc men, cuộc sống”, anh Hà nói. Cách đây 2 tháng, anh Hà xin nghỉ ở công ty, trước mắt vợ chồng anh chọn nghề dịch vụ tang lễ để mưu sinh.
Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 8, toàn tỉnh có 41 người được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động hằng tháng, 90 người được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động một lần. Những người bị tai nạn lao động đa số là công nhân, lao động làm việc nặng hoặc bị tai nạn giao thông trên quãng đường đi. Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm 1 lần khi bị tai nạn suy giảm từ 5%-30% khả năng lao động. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên sẽ được trợ cấp hằng tháng.
Giải quyết nhanh gọn
Khi người lao động khi gặp rủi ro, cơ quan bảo hiểm đã tích cực phối hợp doanh nghiệp để giải quyết chế độ khi nhận được hồ sơ. Việc tiếp nhận hồ sơ và xác minh các vụ tai nạn để giải quyết chế độ đúng đối tượng, đúng chính sách được thực hiện khẩn trương, kịp thời, nhanh gọn.
Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Thanh Hà, đơn vị thường phối hợp tổ chức công đoàn, doanh nghiệp để giải quyết chế độ cho người lao động. Để thuận lợi hơn, người lao động cần phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục, giấy tờ. Bảo hiểm Xã hội huyện Thanh Hà đã tổ chức nhiều buổi tư vấn, tuyên truyền để người lao động nắm được khi gặp tai nạn cần liên hệ ngay cơ quan bảo hiểm để được hướng dẫn chi tiết.
Từ đầu năm đến ngày 21/9, huyện Cẩm Giàng có 9 trường hợp lao động bị tai nạn được hưởng chế độ 1 lần với tổng số tiền chi trả hơn 285 triệu đồng, không phát sinh trường hợp nào nhận chế độ hằng tháng. Huyện Cẩm Giàng là địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp. Người bị tai nạn lao động đa số là công nhân, tuổi còn trẻ. Các thủ tục chi trả đều bảo đảm quy định.
Anh Nguyễn Đại Duy, công nhân Công ty CP In Hoa Lan (TP Hải Dương), một người vừa bị tai nạn lao động cho biết các cơ quan bảo hiểm cần tích cực tuyên truyền chế độ cho người lao động khi họ gặp rủi ro, tai nạn. Hiện nay nhiều người bị tai nạn nhưng không biết làm thủ tục để được hưởng bảo hiểm nên rất thiệt thòi.
Để giảm thiểu tai nạn lao động, người sử dụng lao động cần quan tâm huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Các đơn vị sử dụng lao động thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp từng lĩnh vực và ngành nghề thông qua các lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành, liên ngành việc chấp hành các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động. Các cơ quan liên quan cần đơn giản các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi lập hồ sơ giải quyết hưởng chế độ để bảo hiểm tai nạn lao động là chỗ dựa cho công nhân, lao động lúc không may gặp rủi ro.