Đưa mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Brazil lên tầm cao mới
Theo Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa, chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tập trung tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là về thương mại.
Từ ngày 17-26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung Cấp cao khóa 78 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Brazil.
Brazil - đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Nam Mỹ
Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Brasilia năm 2000 trên cơ sở nâng cấp Tổng Lãnh sự quán lập tại Thành phố São Paulo (1998); Brazil mở Đại sứ quán ở Hà Nội năm 1994. Tháng 5/2007, hai nước xác lập khuôn khổ Đối tác Toàn diện.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Brazil tiếp tục phát triển hết sức tích cực.
Tiếp Đại sứ Brazil Marco Farani hồi tháng 5/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và đối tác toàn diện với Brazil, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Chủ tịch nước cũng cho rằng dư địa hợp tác còn rất lớn, do đó hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, giao lưu nhân dân; đề nghị Chính phủ hai nước sớm tổ chức Kỳ họp III Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Brazil, qua đó thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để tăng cường quan hệ giữa ASEAN và Brazil, giữa ASEAN và MERCOSUR.
Theo Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Brazil tại Việt Nam Marco Farani, quan hệ giữa Brazil và Việt Nam có rất nhiều triển vọng mặc dù khoảng cách giữa hai nước rất xa nhau. Brazil và Việt Nam duy trì mối quan hệ hợp tác song phương toàn diện với nền tảng là mối quan hệ cân bằng và tôn trọng lẫn nhau.
Năm 2024, hai nước sẽ kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao và Đại sứ Marco Farani cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt để Tổng thống Brazil tới thăm Việt Nam.
Tổng thống Lula da Silva và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp nhau trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức ở Hiroshima (Nhật Bản) vào tháng Sáu năm ngoái. Nhân cơ hội này, Tổng thống Lula da Silva đã mời Thủ tướng tới thăm Brazil.
Đại sứ Marco Farani cho rằng chuyến thăm Brazil sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đưa hai nước xích lại gần nhau hơn và mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại
Theo Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa, chuyến thăm của Thủ tướng sẽ tập trung tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là về thương mại.
Trên cơ sở quan hệ đối tác toàn diện, giao lưu văn hóa-giáo dục-du lịch giữa hai nước tiếp tục được tăng cường, trở thành nhịp cầu kết nối nhân dân Việt Nam và Brazil gần nhau hơn nữa.
Bà Tatiana Prazeres, Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương, Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil cho biết Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh. Tuy cách nửa vòng Trái Đất song khoa học kỹ thuật và tiềm năng thương mại của hai nước đã thu hẹp khoảng cách địa lý và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Brazil đạt mức 6,78 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu sang Brazil đạt trị giá 2,24 tỷ USD, giảm 1,3%, nhập khẩu từ Brazil đạt trị giá 4,55 tỷ USD, tăng 10,8%.
Riêng 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Brazil đạt 3,86 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Brazil đạt 1,47 tỷ USD, tăng 14% còn nhập khẩu của Việt Nam từ Brazil đạt 2,39 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Brazil bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép các loại, giày dép các loại.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Brazil bao gồm: quặng và khoáng sản khác, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, ngô, gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu dệt may da giày.
Theo Đại sứ Marco Farani, vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn cần được khai phá trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng xanh...
Theo Đại sứ Marco Farani, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể trở thành nước có thu nhập trung bình trong 10 năm tới. Trong khi đó, Brazil có dân số đông với 220 triệu người. Brazil giàu tài nguyên thiên nhiên và cũng có nền nông nghiệp phát triển vượt bậc. Vì vậy, có rất nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác cùng nhau.
Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác rất triển vọng là năng lượng tái tạo. Ở Brazil, 90% điện năng được tạo ra từ năng lượng tái tạo. Brazil có thể chia sẻ và giúp Việt Nam giảm lượng khí thải trong tương lai.
Trên phạm vi quốc tế, Brazil vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch Luân phiên của Khối Thị trường Chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Với vai trò này, Brazil sẽ nỗ lực tăng cường đối thoại nội khối, nhằm mở rộng thương mại tự do giữa các thị trường khu vực.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa MERCOSUR và Việt Nam là mục tiêu của cả hai bên. Tổng thống Lula đã tuyên bố rằng ông sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo khác trong khối MERCOSUR để đẩy nhanh thỏa thuận với Việt Nam.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa, chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, thể hiện quyết tâm của hai bên trong việc phát triển mối quan hệ lên một tầm cao mới một cách bền vững, ổn định và thực chất hơn./.