Chủ tịch Hội Di truyền y học Việt Nam lần đầu chia sẻ kinh nghiệm tại Hải Dương
Những kiến thức, kinh nghiệm mà PGS. TS Trần Đức Phấn chia sẻ là tài liệu quý, gợi mở những giải pháp hữu ích trong việc tầm soát, chẩn đoán, phát hiện, can thiệp, điều trị sớm các dị tật, rối loạn chuyển hóa, di truyền.
Ngày 22/9, tại TP Hải Dương, PGS. TS Trần Đức Phấn, Chủ tịch Hội Di truyền y học Việt Nam đã có lần đầu tiên trực tiếp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Hải Dương về kỹ thuật sàng lọc chẩn đoán bệnh di truyền và dị tật bẩm sinh do Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh tổ chức.
Hơn 60 nhân viên y tế Hải Dương tham dự buổi trao đổi đã được nghe PGS. TS Trần Đức Phấn - một bậc thầy trong lĩnh vực giải mã gen và di truyền học của Việt Nam chia sẻ những nội dung cơ bản, chuyên sâu về sàng lọc bệnh di truyền và dị tật bẩm sinh, sự phát triển các kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán bệnh di truyền ở hiện tại và trong tương lai…
Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Hữu Thanh cho biết những kiến thức, kinh nghiệm mà PGS. TS Trần Đức Phấn chia sẻ là tài liệu quý, củng cố và gợi mở những giải pháp hữu ích trong việc tầm soát, chẩn đoán nhằm phát hiện, can thiệp, điều trị sớm các bệnh, dị tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hải Dương đã có một số lần phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn, trao đổi kỹ thuật về sàng lọc chẩn đoán bệnh di truyền và dị tật bẩm sinh nhưng chưa được chuyên sâu như lần này.
Trong giai đoạn 2016-2022, Hải Dương có gần 150.000 phụ nữ mang thai được khám sàng lọc trước sinh, phát hiện dị tật thai nhi. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh tăng dần qua từng năm. Tuy nhiên, hoạt động này của hệ thống y tế trong tỉnh mới chỉ tập trung chủ yếu vào sàng lọc bằng phương pháp siêu âm, chưa tổ chức triển khai thực hiện được bằng phương pháp xét nghiệm để sàng lọc các hội chứng Edward, Patau và bệnh Thalassemia. Sàng lọc sơ sinh mới triển khai lấy mẫu máu gót chân, chưa triển khai được sàng lọc khiếm thính và tim bẩm sinh.
Trong thời gian tới, ngành y tế Hải Dương sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động nâng cao kỹ năng chuyên ngành về sàng lọc, chẩn đoán bệnh di truyền và dị tật bẩm sinh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh.