Phát hiện vi khuẩn gây ngộ độc trong bánh mỳ Phượng ở Quảng Nam
Kết quả xét nghiệm 12 mẫu bánh mỳ Phượng ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho thấy nhiều mẫu bị nhiễm Bacillus cereus và Salmonella, là hai độc tố hàng đầu gây bệnh đường tiêu hóa.
Chiều 21/9, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết Viện Pasteur Nha Trang thuộc Bộ Y tế vừa gửi thông báo đến Sở Y tế, Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Nam về kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại TP Hội An.
Kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm cho thấy trong món chả phát hiện Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL. Mẫu thịt heo xá xíu dương tính với Salmonella spp. Mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa chuột phát hiện Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL và Salmonella spp. Mẫu thịt xíu mại có chủng Bacillus celeus sinh độc tố NHE và HBL và Salmonella spp.
Theo các bác sỹ, vi khuẩn Bacillus celeus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây ra hai dạng ngộ độc.
Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6-15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột. Vi khuẩn salmonella sống trong ruột người, động vật và chim. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước ô nhiễm có chứa phân.
Như đã đưa tin, ngày 11/9 nhiều người nhập viện với triệu chứng ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng. Tính đến chiều 14/9, có 150 bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng. Hiện, các bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Ngày 21/9, chủ tiệm bánh mỳ Phượng ở số 2 Phan Châu Trinh, TP Hội An, đã có thư xin lỗi khách hàng, thừa nhận đây là lỗi của quán trong quy trình kiểm soát nhập nguyên liệu đầu vào, chưa bảo đảm chất lượng trước khi đưa đến tay người dùng. Chủ cơ sở mong khách hàng cảm thông, cam kết khắc phục…/.