Nâng cao khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp
Tính đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, so với mức 9,86% cùng kỳ năm ngoái thì mới đạt gần một nửa.
“Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chỉ đạo về cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, thực hiện đúng các quy định cho vay… và tiết giảm chi phí trên cơ sở hoạt động của mình để tăng hỗ trợ doanh nghiệp.”
Đó là yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đối với các tổ chức tín dụng tại Hội nghị “Kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội” diễn ra chiều ngày 21/9.
Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nền kinh tế đang trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn và thách thức khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn thấp, điều này khiến tăng trưởng tín dụng chậm.
Tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng Tám nhưng so với mức 9,86% cùng kỳ năm ngoái thì mới đạt gần một nửa, điều đó cho thấy việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh vẫn đang còn nhiều khó khăn.
Thống đốc chia sẻ trong gần 9 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 2 hội nghị, 5 cuộc họp với các bộ ngành, hiệp hội; Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 11 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 2 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng.
Đặc biệt, tại các địa phương đã có 63 hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn giữa ngân hàng và doanh nghiệp, nền kinh tế.
Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, hiện đứng thứ 2 về dân số, đóng góp gần 20% GDP cả nước, 8 tháng qua tăng trưởng của thành phố ở mức cao so với các tỉnh, thành trên cả nước, tỷ lệ vốn FDI, tăng trưởng tín dụng đều tốt. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội đạt 10,6%, gấp đôi so với tín dụng của nền kinh tế.
Các tổ chức tín dụng cũng đã quan tâm, tập trung cung ứng tín dụng cho các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng của Thủ đô với tổng hạn mức cấp tín dụng là 12.468 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội gần 39.000 tỷ đồng (chiếm hơn 32% tổng số dư gốc và lãi được cơ cấu toàn hệ thống) cho hơn 87.000 lượt khách hàng (chiếm hơn 70% tổng số lượt khách hàng toàn hệ thống).
Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp, song bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước cũng như địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo bà Giang, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng.
Cần sự hài hòa giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đều nhận định trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên đại diện các doanh nghiệp chia sẻ vẫn còn nhiều tồn tại trong vấn đề tiếp cận tín dụng, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp có doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận vốn hàng năm đạt từ 10%-15%, đóng góp ngân sách gần 200 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Huyền Thương - Tổng giám đốc Tập đoàn Nagakawa cho biết việc quản lý hoạt động cho vay bằng room tín dụng có thời điểm gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm.
Mặt khác, lãi suất thực tế dù đã giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, bà Thương cho rằng các ngân hàng cần tiếp tục xem xét, ban hành chính sách giảm, ưu đãi thêm lãi suất và sớm triển khai thực hiện để giúp đỡ doanh nghiệp.
Còn theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội thì việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài.
"Việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài. Với 1 khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1-3 tháng và khoản vay trung hạn, dài hạn thì trung bình duyệt trong vòng 3 tháng. Thậm chí có những khoản vay tới 6 tháng hoặc dài hơn," ông Sơn nói.
Do đó, ông Sơn đề xuất các ngân hàng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt để rút ngắn thời gian trung bình trong vòng 1 tháng với tất cả các khoản vay. Ngoài ra, cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên tỷ lệ tài sản bảo đảm (nếu có) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, có thời gian thu xếp nguồn để trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát tình hình tham mưu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ban để điều hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được an toàn hệ thống, tỷ giá. Ngoài ra tiếp tục rà soát các thủ tục pháp lý còn gây khó khăn để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Theo dõi sát tín dụng để điều hành, tạo điều kiện thuận lợi về thanh khoản để cung ứng vốn kịp thời khi cần thiết.
Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chỉ đạo về cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, thực hiện đúng các quy định cho vay… và tiết giảm chi phí trên cơ sở hoạt động của mình để tăng hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động của chính ngân hàng, cũng như đảm bảo thanh khoản; tăng cường tư vấn cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp minh bạch hồ sơ, giấy tờ tiếp cận vốn cũng như tình hình tài chính, đặc biệt điều phối tăng trưởng tín dụng trong ngân hàng phù hợp.
Đối với các doanh nghiệp, Thống đốc cũng nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, thị trường tài chính biến động mạnh, các doanh nghiệp nên chủ động sử dụng công cụ phái sinh tỷ giá do các ngân hàng cung cấp để phòng ngừa rủi ro. Các doanh nghiệp cũng cần bám sát tình hình thị trường để có những phân tích, qua đó góp phần chủ động các hoạt động sản xuất kinh doanh.