Góc nhìn

"Con xem điện thoại 10 tiếng một ngày"

NGÂN HẠNH 23/09/2023 09:00

Bên cạnh những tiện ích mà chiếc điện thoại thông minh cùng "hội nhóm Zalo, Facebook" mang lại thì nguy cơ "con sử dụng điện thoại 10 tiếng một ngày" luôn hiện hữu với bất kỳ gia đình nào.

chot-16012995905822034316227.jpg
Con dùng điện thoại quá nhiều là nỗi lo của nhiều phụ huynh (ảnh internet)

"Tình cờ cầm điện thoại của con thấy có ngày thời gian con dùng điện thoại hơn 10 tiếng, không biết là dùng để học bài hay lại xem lăng nhăng, chơi điện tử. Nhưng rõ ràng từ hồi không dùng điện thoại "cục gạch" mà chuyển sang dùng điện thoại thông minh để xem tin nhắn rồi bài tập các thầy cô gửi qua Zalo là nó xem điện thoại nhiều hơn, học hành cũng lười đi".

"10 giờ 30 phút đêm, cô giáo mới gửi đề toán bảo phụ huynh in cho con. Lúc ấy cả nhà đã đi ngủ, đi đâu mà in được, có phải nhà nào cũng có máy in đâu".

"Mới học lớp 4 mà suốt ngày mượn điện thoại của mẹ để seach Google tìm kiếm lời giải toán rồi xem văn mẫu...".

"Hai đứa mà phải đến 5-7 nhóm Zalo. Nào nhóm lớp chung, nhóm phụ huynh riêng, nhóm học thêm, nhóm văn nghệ... Nhiều khi không kịp xem tin nhắn, rồi lẫn lộn tin của lớp đứa này sang lớp đứa khác".

Đây là những phàn nàn của một số phụ huynh ở xóm tôi có con học ở cả 3 cấp khi năm học mới vừa bắt đầu. Những phụ huynh này nói riêng và nhiều phụ huynh khác đều có chung nỗi băn khoăn, lo lắng khi cho con sử dụng điện thoại thông minh vào việc học và những bất tiện của các hội, nhóm lớp trên Zalo, Facebook.

"Không cho con sử dụng không được. Lúc đầu mình cũng truyền đạt thông báo của cô giáo đến con, nhưng vài lần xem tin muộn, ảnh hưởng đến việc học của con, mình đành cho con dùng điện thoại để thêm con vào nhóm". Có lẽ nhiều phụ huynh cũng phải làm như vậy trong thời buổi Zalo, Facebook trở thành công cụ liên lạc phổ biến giữa giáo viên và phụ huynh.

Không thể phủ định lợi ích mà các nền tảng mạng xã hội trên mang lại trong mối quan hệ giữa nhà trường-học sinh-phụ huynh. Tôi thực sự yên tâm khi hằng ngày đều nhận được tin nhắn trao đổi giữa các thầy cô giáo về việc học hành của con qua nhóm Zalo của lớp. Hôm nay bạn nào đi muộn, bạn nào không làm bài, bạn nào điểm cao, bạn điểm thấp, trường hợp đánh nhau, hút thuốc, những khuyến cáo phòng bệnh, chỉ đạo của nhà trường... Hay những khoản thu góp, những vấn đề cần xin ý kiến nhanh của phụ huynh... Tất cả đều được các thầy cô giáo thông tin công khai trên nhóm Zalo chung của lớp. Từ đây, những phụ huynh như tôi có thể nắm được tình hình của con và những học sinh khác trong lớp, để có thể đồng hành cùng các thầy cô giáo tham gia giáo dục các con.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà chiếc điện thoại thông minh cùng "hội nhóm Zalo, Facebook" mang lại thì một điều không thể phủ định đó là nguy cơ "con sử dụng điện thoại 10 tiếng một ngày" luôn hiện hữu với bất kỳ gia đình nào.

Hẳn nhiều phụ huynh đã có những giải pháp đối phó, thậm chí tịch thu điện thoại của con. Tuy nhiên, theo tôi đây không phải là biện pháp tối ưu. Dân gian có câu "Người có cách khóa cửa, ta có phép trèo tường", trẻ có thể tìm đủ cách để tiếp tục kết nối với bạn bè, chơi game... Huống chi, việc học qua mạng là đòi hỏi gần như bắt buộc với học sinh từ lớp 8, lớp 9 đến THPT. Thay vì cấm, sự chia sẻ, đối thoại thẳng thắn, giúp con nhìn ra những mặt trái của việc sa đà vào dùng điện thoại sẽ có ích hơn. Hay thỏa thuận dùng điện thoại ở một thời điểm nhất định cũng là một cách kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại của con.

Với cách thông tin của giáo viên qua nhóm Zalo còn chưa hợp lý như đề cập ở trên cũng cần được phụ huynh thẳng thắn nêu ý kiến. Như việc giao bài tập, theo các chuyên gia giáo dục, giáo viên nên giao trực tiếp tại lớp để tăng tương tác với học sinh, hơn nữa không phải phụ huynh nào cũng có thời gian để làm phần việc giáo viên vô tình giao như in bài cho con.

Biến điện thoại thông minh là công cụ hữu ích thay vì bản thân trở thành nạn nhân của sản phẩm công nghệ này không phải là việc dễ dàng với những người trẻ tuổi. Người lớn cần phải sát sao khi trao cho con thứ sản phẩm quyến rũ bất kỳ ai này.

NGÂN HẠNH