Gần như toàn bộ người dân ở châu Âu đang hít thở không khí độc hại
Cuộc điều tra của tờ The Guardian cho thấy 98% người dân châu Âu hít thở không khí ô nhiễm có hại nghiêm trọng, có liên quan đến 400.000 ca tử vong mỗi năm.
Theo cuộc điều tra, châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng khi hầu hết mọi người trên khắp lục địa này đều sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm.
Cụ thể, phân tích dữ liệu cho thấy có tới 98% người dân sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 vượt quá quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu là Bắc Macedonia. Gần 2/3 số người dân nước này sống ở những khu vực có nồng độ PM2.5 cao hơn 4 lần so với quy định của WHO. Bốn khu vực ở nước này có mức ô nhiễm không khí cao gần gấp 6 lần, trong đó có cả thủ đô Skopje.
Chất lượng không khí ở Đông Âu tồi tệ hơn nhiều so với Tây Âu. Hầu hết người dân ở 7 quốc gia Đông Âu gồm Serbia, Romania, Albania, Bắc Macedonia, Ba Lan, Slovakia và Hungary đều chịu cảnh ô nhiễm bụi mịn gấp đôi so với quy định của WHO. Hơn một nửa dân số Bắc Macedonia và Serbia sống trong môi trường độc hại gấp 4 lần so với tiêu chuẩn của WHO.
Tại Đức, 3/4 dân số hít thở không khí ô nhiễm gấp đôi so với mức của WHO. Ở Tây Ban Nha, con số đó là 49% và ở Pháp là 37%.
Ở Anh, 3/4 dân số sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao gấp từ 1 đến 2 lần so với quy định của WHO, gần 1/4 dân số chịu cảnh ô nhiễm hơn gấp đôi so với giới hạn đó.
Gần 30 triệu người châu Âu đang sống ở những khu vực có nồng độ bụi mịn cao ít nhất gấp 4 lần con số của WHO.
Ngược lại, ở Thụy Điển, không có khu vực nào mà mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao hơn gấp đôi con số của WHO. Một số khu vực ở phía Bắc Scotland nằm trong số ít khu vực trên khắp châu Âu nằm dưới mức đó.
Để thực hiện nghiên cứu trên, The Guardian đã làm việc với các chuyên gia về ô nhiễm để thiết lập một bản đồ tương tác, cho thấy những khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất ở châu Âu. Quy định hiện hành của WHO nêu rõ rằng nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm không được vượt quá 5 µg/m3. Phân tích mới cho thấy chỉ có 2% dân số châu Âu sống ở các khu vực nằm trong giới hạn này. Các chuyên gia cho biết ô nhiễm PM2.5 gây ra khoảng 400.000 ca tử vong mỗi năm trên khắp châu Âu.
Ông Roel Vermeulen, Giáo sư dịch tễ học môi trường tại Đại học Utrecht, nhận định: “Đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Điều chúng tôi thấy khá rõ ràng là gần như mọi người ở châu Âu đang hít thở không khí không tốt cho sức khỏe”.
Giao thông, công nghiệp, sưởi ấm và nông nghiệp là những nguồn chính tạo ra bụi mịn PM2.5 và ô nhiễm không khí ảnh hưởng phần lớn đến những khu vực nghèo khó nhất.
Ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn đề lớn ở châu Âu, khiến Liên minh châu Âu (EU) phải chịu áp lực hành động nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang gia tăng. Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua quy định của WHO về PM2.5 vào năm 2035. Luật này sẽ đặt ra giới hạn ràng buộc về mặt pháp lý đối với nồng độ PM2.5 hàng năm là 5µg/m3, giảm từ mức 25µg/m3 hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phải hành động khẩn cấp ngay bây giờ.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể và có liên quan đến một loạt vấn đề sức khỏe như bệnh tim, bệnh phổi, ung thư, tiểu đường, trầm cảm, bệnh tâm thần, suy giảm nhận thức và sinh con nhẹ cân.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 1 triệu ca thai chết lưu mỗi năm. Nghiên cứu khác cho thấy tim của những người trẻ sống ở thành phố đã có hàng tỷ hạt từ không khí độc hại.
Tiến sĩ Hanna Boogaard, một chuyên gia về ô nhiễm không khí ở châu Âu, cho biết phân tích mới này rất quan trọng trong cung cấp thông tin về ô nhiễm không khí và tác động ở châu Âu. Theo bà, có hàng trăm nghìn ca tử vong vì ô nhiễm không khí hàng năm. Bà nói: “Những cái chết này có thể phòng ngừa được và con số ước tính trên không bao gồm hàng triệu ca mắc các bệnh không gây tử vong”.
Một số thị trấn và thành phố trên khắp châu Âu đang có những bước tiến trong giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, từ thiết lập các khu vực phát thải cực thấp đến các kế hoạch giảm lưu lượng giao thông cũng như các sáng kiến đi bộ và đi xe đạp. Nhưng các chuyên gia cho rằng các chính trị gia phải hành động khẩn cấp hơn trước những bằng chứng về tác hại ngày càng tăng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ở các quốc gia, cộng đồng nghèo hơn thường sống ở những khu vực có tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất. Bà Barbara Hoffmann, Giáo sư dịch tễ học môi trường tại Đại học Düsseldorf, cho biết ô nhiễm không khí là vấn đề bất công về môi trường: “Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng là những quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhất... Việc làm sạch không khí, đặc biệt là ở Đông Âu, là hết sức cần thiết để mang lại cơ hội sống khỏe mạnh như nhau trên khắp châu Âu”.