Quan chức G7 dự đoán xung đột Ukraine sẽ kéo dài đến cuối thập kỷ
Một quan chức cấp cao của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cho rằng xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài 6 đến 7 năm nữa.
Theo hãng tin Bloomberg, trong bài báo xuất bản ngày 29/9, quan chức giấu tên của G7 chỉ ra rằng xung đột kéo dài xung đột là do cuộc phản công của Ukraine tiến triển chậm, khiến các nước phương Tây hạ thấp kỳ vọng.
Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky cho biết việc tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev trong cuộc xung đột kéo dài này “sẽ không dễ dàng”.
“Nỗ lực viện trợ cho Ukraine sẽ gây áp lực lớn lên xã hội, chính phủ, thông qua các cuộc bầu cử khác nhau ở châu Âu”, ông Lipavsky nói và nhấn mạnh châu Âu phải có chiến lược trung hạn để hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.
Một quan chức hàng đầu của châu Âu nói rằng ngay cả khi được hỗ trợ, Ukraine có thể sẽ phải vật lộn với những thách thức xuất phát từ việc phương Tây không cung cấp đủ vũ khí và thiệt hại về nhân lực ngày càng gia tăng.
Theo vị quan chức này, bất chấp viễn cảnh tồi tệ đó, Kiev và các đồng minh vẫn phản đối đàm phán và không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ giải pháp nào không bao gồm việc quân đội Nga rút hoàn toàn quân khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine.
Về phần mình, Kiev nhấn mạnh nước này không sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy các thỏa thuận hòa bình tiềm năng với Nga. Trong cuộc phỏng vấn với CBS News vào cuối tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định dù tốc độ phản công chậm, Ukraine vẫn cam kết duy trì bất kể điều kiện thời tiết bất lợi hay các yếu tố khác.
Ukraine đã phát động cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga từ tháng 6. Tuy nhiên, các lực lượng Kiev chưa đạt được bước tiến đột phá nào và phải hứng chịu thương vong nặng nề. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ukraine đã tổn thất đáng kể trong đợt phản công này, gồm ít nhất 71.000 quân, 543 xe tăng và gần 18.000 xe bọc thép.
Sau các cuộc trưng cầu dân ý, Nga đã tuyên bố sáp nhập 4 khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vào tháng 9/2022. Ukraine, các đồng minh phương Tây đã không công nhận kết quả của các cuộc bỏ phiếu và coi việc sáp nhập là bất hợp pháp. Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại của Nga.
Trong khi đó, Moskva nhiều lần tuyên bố họ không khép lại cánh cửa đàm phán với Kiev và kêu gọi giới lãnh đạo Ukraine thừa nhận “thực tế trên thực địa”.