Giao thông - Đô thị

Dòng sông Sặt chảy mãi

NGUYỄN THỊ LAN 23/09/2023 08:00

Sông như một phần ký ức không thể nào quên của người dân thành phố quê tôi.

W_dji_0021.jpg
Khúc sông Sặt đã in dấu trong ký ức của bao người con TP Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Dòng sông nhỏ hiền hòa chảy giữa lòng thành phố chứa đựng biết bao giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất Thành Đông xưa và TP Hải Dương nay.

Tôi sinh ra và lớn lên ở TP Hải Dương. Thành phố mà ngày xưa là một thị xã cổ kính, xinh đẹp và yên bình. Nếu với rất nhiều người luôn có trong mình một dòng sông, bến nước thì với tôi đó là dòng sông Sặt chảy giữa lòng thành phố. Tuổi thơ của tôi và bao bạn bè cùng trang lứa đã gắn liền với dòng sông nơi đây.

Sau này, tìm hiểu qua các tài liệu, tôi biết nơi đây chính là một phần của Thành Đông xưa. Như một cơ duyên, con sông Sặt khi tới TP Hải Dương lại phân nhánh, ăn sâu vào lòng thành phố, nhiều người quen gọi là sông Bạch Đằng.

Cách đây hơn 200 năm, khi khởi lập Thành Đông, thợ thuyền khắp nơi tìm đến ven sông an cư lạc nghiệp, mở mang buôn bán. Dần dần, hình thành nên trung tâm dân cư gọi là Đông Kiều phố, kéo dài từ giáp Đông Mỹ (quảng trường Thống Nhất) đến giáp Tự Tân (phố Tam Giang). Những con phố nghề như Hàng Đồng, Hàng Lọng, Hàng Bạc cũng tấp nập bên sông.

Đến những năm 20 của thế kỷ XX, khi người Pháp kiến thiết Thành Đông đã xây dựng những công trình hướng ra sông Sặt. Không gian đô thị của TP Hải Dương qua từng thời kỳ lịch sử sau đó cũng xoay quanh trục sông này vì thuận lợi cho việc đi lại, giao thông, phát triển kinh tế và yêu cầu chính trị. Đây là vị trí đắc địa của thành phố, nơi sầm uất bậc nhất của Thành Đông xưa.

Các bậc cao niên kể lại rằng, xưa nước sông trong xanh, chảy mạnh. Với rất nhiều thế hệ người dân thị xã ngày đó, con sông nhỏ này là một miền ký ức ngọt ngào, là nơi những chiều hè oi bức, trẻ con rủ nhau ra sông tắm mát hay ôm cây chuối tập bơi. Có cả tiếng đập chiếu bì bộp trên sông vang xa, thật êm ả thanh bình. Buổi tối, nhất là những đêm hè nóng nực, mọi người lại rủ nhau ra bờ sông, ngồi trên bờ hóng gió.

Bên kia sông (bây giờ là phố Chương Dương) xưa là cánh đồng, sau này có thêm xóm Gốc Mít chơ vơ mấy nóc nhà. Người trong xóm muốn sang phố phải đi đò. Buổi tối bên này sông trông sang chỉ thấy heo hút đến mênh mông. Mùi đồng cỏ lác, mùi rơm rạ, mùi bùn đất ngai ngái thoảng đưa sang. Cái mùi dân dã ấy, bọn trẻ chúng tôi gọi là “hương đồng”. Đêm khuya, lặng nghe có cả tiếng ếch nhái, côn trùng vẳng sang. Ban ngày nhìn sang, thấy chấp chới những cánh cò.

Ngày mùa, những cánh đồng bên kia sông lúa chín vàng, cả cánh đồng vàng óng ả sáng cả góc trời. Những ngày nghỉ học, tôi thường một mình ngồi hàng giờ ngắm cái màu vàng ấy, rồi lại mường tượng cảnh gặt lúa tấp nập. Hồi đó, có một vài người ở phố Quang Trung gần nhà tôi cũng có ruộng cấy lúa, họ là những nông dân thực sự. Ngày mùa, lúa vàng được kĩu kịt gánh về phố. Có một “làng trong phố” của cái thị xã nhỏ bé. Nói vậy để thấy rằng, thị xã Hải Dương ngày ấy thật bình dị, chân chất, mộc mạc nhưng cũng thật êm đềm, an yên.

Rồi con sông được nắn dòng, nước sông Thái Bình không trực tiếp đổ về, không còn lo nước to làm vỡ đê nữa. Người ta đã phá bờ kè bên sông làm hè phố cho người đi bộ, dấu vết còn lại là hàng cây xà cừ cổ thụ được trồng từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Bên kia sông, ruộng đồng đã biến thành phố, cầu Hồng Quang đã nối đôi bờ.

Và giờ đây, “phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng” hằng tuần thu hút nhân dân về vui dọc hai bờ sông. Đây là phố đi bộ, chợ đêm đầu tiên của tỉnh, để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, thưởng lãm, thụ hưởng cuộc sống về đêm của người dân.

Con sông Sặt giờ đây vẫn là vị trí đắc địa của thành phố, nơi sầm uất bậc nhất của Thành Đông. Nhánh sông được ví như linh hồn của thành phố khi gắn bó chặt chẽ với sự phát triển, mở rộng nơi đây. Những người trẻ tuổi đến đây để vui chơi giải trí. Những người thuộc thế hệ cũ đến đây còn để hoài niệm một thời đã qua trong không gian hiện tại, hoài niệm về sông Sặt xưa. Còn du khách từ xa đến đây sẽ cảm nhận rõ nét hồn cốt của Thành Đông, mối liên kết giữa Thành Đông xưa - Hải Dương nay.

Còn tôi, mỗi khi đến đây, tôi đều chọn đứng trên cầu Hồng Quang ngắm nhìn toàn cảnh con sông để thêm yêu thành phố quê hương mình và nhớ... “Sông cũng như người ấy, có khi vui khi buồn, có khi hờn ghen/ Chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy/ Ôi những con thuyền giấy/ Những năm tuổi thơ đã đi về đâu/ Để mình tôi nhớ nhung bây giờ…” - những câu hát trong bài "Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp luôn ngân nga trong tôi.

NGUYỄN THỊ LAN