Cách xử lý nợ quá hạn của ngân hàng
Khi lâm vào tình trạng nợ quá hạn, người vay sẽ bị ngân hàng áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và con số này thường khá cao.
Nợ quá hạn là gì?
Nợ quá hạn là các khoản vay tới thời hạn trả nhưng khách hàng không thể thanh toán. Việc này làm ảnh hưởng tới ngân hàng và khách sẽ bị đưa vào nhóm nợ quá hạn.
Nợ quá hạn được chia thành hai loại:
Nợ quá hạn có tài sản đảm bảo: Là các khoản vay có tài sản thế chấp nhưng chưa được giải thế chấp khi tới hạn. Đối với các khoản vay quá hạn thế chấp thì rất có thể tài sản sẽ bị thanh lý để bù nợ.
Nợ quá hạn không có tài sản thế chấp: Là các khoản vay tín chấp không cần tài sản thế chấp nhưng khi tới thời hạn không thanh toán được. Đối với các khoản vay này người đi vay sẽ bị xếp vào các nhóm nợ xấu và ngân hàng có khả năng cao là bị mất vốn.
Nếu trong quá trình vay vốn, khách hàng có gặp phải vấn đề về tài chính thì nên thông báo với ngân hàng để gia hạn thêm thời gian chứ không để quá hạn.
Cách xử lý nợ quá hạn của ngân hàng
Để xử lý nợ quá hạn, ngân hàng thường thực hiện đồng loạt các cách như: Gọi điện liên lạc với người đi vay để thông báo về khoản vay; Thông báo tới cơ quan, công ty nơi khách đang làm việc để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ; Bàn giao cho bên thứ ba để thu hồi nợ; Đưa ra tòa để giải quyết theo đúng pháp luật; Lưu lịch sử nợ xấu trên CIC hạn chế khách và người thân tham gia các sản phẩm vay vốn sau này.
Quy trình xử lý nợ quá hạn của ngân hàng
Vì xử lý nợ quá hạn là một trong những nghiệp vụ của ngân hàng nên trong cơ cấu của một tổ chức tín dụng luôn có bộ phận gồm các chuyên viên xử lý và thu hồi nợ thực hiện các hoạt động xử lý nợ theo nguyên tắc và quy định của pháp luật. Thông thường, quy trình xử lý nợ quá hạn của ngân hàng sẽ được thực hiện dựa trên hai nguồn cơ sở pháp lý:
Thứ nhất là quy định chung của Ngân hàng Nhà nước về việc xử lý nợ quá hạn.
Thứ hai là quy định riêng tại điều lệ, thỏa thuận cho vay và hợp đồng bảo đảm tiền vay của từng ngân hàng.
Căn cứ trên các quy định đó, quy trình xử lý nợ quá hạn của ngân hàng thường bao gồm các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Thông báo về việc nợ quá hạn đối với khách hàng
Theo quy định của pháp luật về quy chế cho vay của tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng có trách nhiệm và quyền trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn và trả nợ của khách hàng. Đối với hoạt động này, tổ chức tín dụng tiến hành xây dựng quy trình và thực hiện kiểm tra quá trình vay vốn, trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm hoạt động của tổ chức tín dụng đã được quy định trong điều lệ và được khách hàng tiếp cận, hiểu rõ. Mục đích của hoạt động này là nhằm đảm bảo hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay cho tổ chức tín dụng của mình.
Trong quá trình tiến hành kiểm tra và giám sát, nếu xảy ra trường hợp khách hàng có nợ quá hạn thì ngân hàng cần có thông báo công khai tới khách hàng để giúp khách hàng nắm bắt được thông tin nợ quá hạn của mình. Nội dung thông báo tối thiểu cần có các nội dung sau: Số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn, lãi chậm trả.
Bước 2: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Sau khi tiến hành thông báo về vấn đề nợ quá hạn của khách hàng và khách hàng trình bày lý do về việc không đủ khả năng trả nợ đúng kỳ hạn thì ngân hàng có thể tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ dựa trên cơ sở khả năng tài chính của mình và kết quả từ việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, cụ thể:
Đối với khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc (và/hoặc lãi vốn vay) trong thời hạn cho vay đã thoả thuận theo Hợp đồng tín dụng và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì sẽ được xem xét và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc (và/hoặc lãi vốn vay).
Đối với khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc (và/hoặc lãi vốn vay) đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận theo Hợp đồng tín dụng và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ theo thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
Toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng có khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được phân loại vào các nhóm nợ thích hợp để tiếp tục cho quá trình giám sát, đánh giá của ngân hàng.
Ngoài ra, thời hạn để thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được các ngân hàng quy định riêng tại quy chế cho vay. Thông thường thời hạn cho việc tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ là 10 ngày kể từ ngày đến kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận theo hợp đồng cho vay.
Bước 3: Xử lý tài sản bảo đảm
Sau khi tiến hành thông báo và cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng khách hàng vẫn không trả nợ quá hạn, theo nguyên tắc thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm vốn vay theo sự thỏa thuận trong hợp đồng để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp tài sản bảo đảm liên quan đến đất đai, nhà ở, bảo hiểm...có quy định đặc thù về tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm thì ngân hàng sẽ áp dụng các quy định đặc thù đó. Còn các trường hợp khác thì ngân hàng sẽ dựa trên nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm được quy định tại Bộ luật dân sự và hợp đồng cho vay để tiến hành quá trình xử lý.
Trước khi tiến hành quy trình, ngân hàng cần có văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm tới khách hàng với nội dung chủ yếu bao gồm: lý do xử lý tài sản bảo đảm; tài sản bảo đảm bị xử lý; và thời gian, địa điểm, cách thức xử lý tài sản bảo đảm. Theo đó, người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ phải giao tài sản bảo đảm cho bên ngân hàng để xử lý.
Ngân hàng sẽ tiến hành việc xử lý tài sản theo hợp đồng bảo đảm tiền vay mà hai bên đã thoả thuận. Các phương thức xử lý tài sản mà hiện nay pháp luật quy định gồm: bán đấu giá tài sản; ngân hàng tự bán tài sản; ngân hàng nhận tài sản thay thế cho việc trả nợ quá hạn của khách hàng và các phương thức khác mà pháp luật không cấm.
Sau khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm nếu số tiền có được nhiều hơn số nợ quá hạn bao gồm cả gốc (và lãi) thì số tiền chênh lệch phải được ngân hàng trả lại cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu số tiền có được nhỏ hơn số nợ quá hạn bao gồm cả gốc (và lãi) thì số tiền chưa được thanh toán sẽ được xem là phần vay không có tài sản bảo đảm (trừ trường hợp trong Hợp đồng bảo đảm tiền vay của hai bên có thoả thuận khác). Theo đó, ngân hàng có quyền yêu cầu khách hàng có nợ quá hạn phải tiếp tục thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.