Đề xuất lùi tăng học phí 1 năm: Giảm áp lực cho trường và sinh viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ.
Bộ GD-ĐT đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí, lùi một năm so với lộ trình học phí tại nghị định 81.
Phải tính đến các giải pháp không để học phí là rào cản sinh viên đến với trường đại học. Nhà nước phải có các chính sách phù hợp với các trường công lập đào tạo các ngành đặc thù, các ngành có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội như nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp, y dược.
TS Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm
Phương án học phí phù hợp nhất
Theo Bộ GD-ĐT, đối với cơ sở GD-ĐT công lập, việc lùi một năm so với lộ trình quy định tại nghị định 81 đồng nghĩa với học phí năm học 2023 - 2024 sẽ được tăng theo mức học phí của năm học 2022 - 2023 theo nghị định 81.
Điều này góp phần hỗ trợ các cơ sở GD-ĐT công lập có nguồn thu bù đắp chi phí, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo; khuyến khích các trường công lập đẩy nhanh lộ trình tự chủ chi thường xuyên, gia tăng điều kiện để hội nhập quốc tế.
Liên quan việc này, ông Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh - cho rằng: "Đây là phương án phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Phương án này vừa giãn được tốc độ tăng học phí và chia sẻ một phần khó khăn của xã hội, vừa giảm ảnh hưởng đáng kể đối với các trường khi một lần nữa phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động ngắn hạn và trung hạn giai đoạn 2020 - 2025 (các lần trước đã điều chỉnh do dịch COVID-19, không tăng học phí...)".
Cũng theo ông Hùng, với mức thu học phí đã không tăng trong ba năm qua, khó khăn trước mắt của nhà trường trong giai đoạn 2021 - 2025 không lớn, nhưng ảnh hưởng lớn nhất là chiến lược và kế hoạch hoạt động trung và dài hạn.
Đặc biệt giai đoạn 2025 - 2030 với nhiều mục tiêu tầm quốc tế được đặt ra cần phải đạt được. Nhà trường sẽ phải rà soát lại và lựa chọn một số mục tiêu ưu tiên với lộ trình nguồn lực tài chính được tính toán lại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tùng - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam - cho hay nhà trường đã thông báo mức học phí dự kiến cho tất cả các chuyên ngành đào tạo trong năm học 2023 - 2024 là 24 triệu đồng/năm học (30 tín chỉ).
"Theo nghị định 81, trường công lập chưa tự chủ, mức học phí năm học 2023 - 2024 dao động từ 13,5 - 27,6 triệu đồng/năm học (10 tháng); các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thu 27 - 55 triệu đồng/năm; trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thu 33 triệu đồng đến hơn 69 triệu đồng/năm.
Trong khi đó mức học phí dự kiến tại học viện khoảng 12 triệu đồng/học kỳ có thể xem là khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ gần bằng mức thu của ngành cao nhất của trường chưa tự chủ. Nay Bộ GD-ĐT đề xuất lùi một năm so với lộ trình học phí tại nghị định 81 là hợp lý", ông Tùng nhận định.
Cần có thêm chính sách hỗ trợ sinh viên
Ông Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết cá nhân ông rất hiểu khó khăn của những người trong cuộc (phụ huynh, giáo viên, lãnh đạo các trường) và cũng hiểu được khó khăn trong việc ra quyết định của Chính phủ, ngành GD-ĐT trong vấn đề học phí.
"Việc Bộ GD-ĐT hết sức cân nhắc đến tác động của chính sách để đề xuất lùi một năm so với lộ trình học phí tại nghị định 81, nên biên độ điều chỉnh học phí của năm học 2023 - 2024 thấp hơn so với quy định tại nghị định này.
Điều này góp phần giảm áp lực về học phí cho người học và động viên các cơ sở giáo dục ĐH công lập là hết sức hợp lý và nhân văn. Với mức tăng học phí theo đề xuất của bộ có thể vẫn còn thấp so với các trường ngoài công lập, lại càng rất thấp so với các trường quốc tế", ông Lý nói.
Cũng theo ông Lý, nếu tính đến việc gia tăng các nguồn thu khác giúp các trường bớt phụ thuộc vào học phí, theo hướng giảm đào tạo mà tăng hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ... cũng gián tiếp giúp gia tăng chất lượng đào tạo thông qua tăng cường nghiên cứu.
Nhưng việc đó không làm giảm chi phí đào tạo và học phí. Thực tế trên thế giới, các trường ĐH càng có uy tín về nghiên cứu thì học phí càng cao.
Vì vậy, nếu duy trì mức học phí thấp nhưng đòi hỏi chất lượng đào tạo cao và lấy nguồn thu từ các dịch vụ khác bù vào phần chênh lệch đó là không phù hợp.
Trong khi học phí phải ít nhất đáp ứng đủ cơ bản cho công tác đào tạo và phần thu thêm từ các nguồn khác phải để phục vụ cho các công tác khác của trường ĐH như thu nhập cho cán bộ, nhân viên và các hoạt động phi lợi nhuận khác...
Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho hay trong bối cảnh trường tự chủ nhưng mấy năm qua không tăng học phí nên phải "co kéo", thu vén đủ thứ để cho công việc được trôi chảy.
Nhà trường đã vay khoản tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nên để đầu tư phát triển. Nhưng nếu tiếp tục không được tăng học phí trường sẽ rất khó khăn trong việc trả nợ vay. Do đó, nhà trường ủng hộ phương án học phí nêu trong dự thảo thay thế nghị định 81 của Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ.
Nghị định 81 quy định mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên đến năm học
2025-2026. Bộ GD-ĐT đề xuất lùi một năm, tức năm học 2023-2024 sẽ áp dụng mức của năm 2022-2023. ĐVT: nghìn đồng/SV/tháng.