Khó khăn trong quản lý bánh Trung thu "tự làm"
Mặc dù thị trường bánh Trung thu "tự làm" tại Hải Dương khá sôi động nhưng việc quản lý, kiểm tra lĩnh vực này đang có những khó khăn nhất định.
Giá rẻ
Trên mạng xã hội Facebook có rất nhiều địa chỉ rao bán bán bánh Trung thu tự làm, trong đó có nhiều địa chỉ tại Hải Dương. Trong nhóm "Dọn nhà cho đỡ chật Hải Dương", tài khoản N.B. đăng bán bánh Trung thu tự làm với các loại nhân đậu xanh, khoai môn, trà xanh, chocolate có giá 25.000 đồng/chiếc, sữa dừa 30.000 đồng/chiếc, nếu thêm trứng muối, giá tăng 5.000 đồng/chiếc. Giá bán này chỉ bằng 1/3-1/2 so với nhiều loại được bày bán trên thị trường như Kinh Đô, Đông Phương... Chủ tài khoản khẳng định, bánh không có chất bảo quản nên cần để trong tủ lạnh, nếu để bên ngoài chỉ được 3-4 ngày. Dù bánh được đựng trong các túi nilon nhưng không có nhãn mác, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng, nguyên liệu, thành phần của bánh.
Có thể nói, đây là tình trạng chung của bánh Trung thu tự làm. Hầu hết những người này làm bánh để thỏa mãn sở thích và phục vụ nhu cầu của gia đình, tặng bạn bè sau đó mới bán hoặc các cơ sở sản xuất bánh mỳ tranh thủ làm theo thời vụ. Vì thế, dù có bao bì nhưng phần lớn không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ. Tại một điểm bán bánh tự làm ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng), chị chủ giới thiệu rất nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo do chị tự làm. Chị cũng chỉ bán cho người quen, bạn bè và bán trên Facebook chứ không có cửa hàng. "Hầu hết là người quen đã từng ăn bánh nên năm sau lại đặt. Tôi bán từ mùng 1 tháng 7 âm lịch, số lượng tương đối lớn", chị này cho biết.
Theo lời giới thiệu của chị, an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu khi người làm bánh sử dụng găng tay, đeo khẩu trang... lúc làm bánh. Tuy nhiên, khi được hỏi sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thì chị thừa nhận chưa làm thủ tục này.
Nhìn bên ngoài, những chiếc bánh tự làm có kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ như bánh Trung thu do các công ty chuyên sản xuất bánh kẹo làm. Tuy nhiên, chất lượng thì khó có thể đánh giá được do chưa được kiểm định.
Khó kiểm soát
Dù thị trường bánh Trung thu tự làm khá sôi động nhưng việc quản lý hiện gặp khó khăn nhất định. Theo ông Vũ Minh Hải, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Cục quản lý thị trường tỉnh), việc kiểm tra các cơ sở làm bánh Trung thu nói chung và bánh Trung thu tự làm nói riêng phải tuân theo quy định, đó là phải có kế hoạch cụ thể hoặc khi đơn vị, cơ sở sản xuất có dấu hiệu vi phạm mới được kiểm tra. Do sản xuất bánh Trung thu là hoạt động thường niên nên năm nào, đơn vị cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra lĩnh vực này. Tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất bánh tương đối lớn nên khó kiểm tra được hết.
Bánh Trung thu tự làm thủ công chỉ được sản xuất trong dịp Tết Trung thu và hầu hết bán theo hình thức "tay trao tay" mà không bày bán ở cửa hàng hoặc một địa điểm cố định. "Những người này làm hầu hết bán cho người quen, hoặc trên mạng xã hội như Zalo, Facebook nên công tác quản lý, kiểm tra gặp khó khăn. Có khi đoàn kiểm tra đến thì thời điểm đó họ lại không có bánh và ngược lại", ông Hải cho biết.
Việc sử dụng các loại bánh tự làm, nguồn gốc không rõ ràng cũng gây ra những hậu quả nhất định. Dịp Tết Trung thu năm ngoái, chị N.T.B ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) mua 10 chiếc bánh Trung thu của một người bán dạo trên đường tỉnh 391 với giá 11.000 đồng/chiếc 150 g. Thoạt nhìn những chiếc bánh này không khác là mấy so với các hiệu bánh Kinh Đô, Hữu Bình. Tuy nhiên, vỏ túi nilon đựng bánh không hề có bất kỳ thông tin gì về tên bánh, cơ sở sản xuất, địa chỉ hay hạn sử dụng. “Tôi và gia đình ăn chưa hết 2 chiếc thì đã phải bỏ đi vì mùi vị rất lạ và cháu lớn nhà tôi có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn”, chị B. nhớ lại.
Theo khuyến cáo của đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), để bảo đảm sức khỏe, người tiêu dùng nên sử dụng bánh Trung thu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có uy tín, nổi tiếng trên thị trường. Nếu sử dụng các sản phẩm tự làm, cũng nên mua bánh ở những nơi có địa chỉ rõ ràng. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh đó phải được Nhà nước cấp phép và bánh có ghi hạn sử dụng, thành phần, nguyên liệu làm bánh. Đôi khi người tiêu dùng còn cần sử dụng cả cảm quan để đánh giá chất lượng sản phẩm, không sử dụng sản phẩm bị biến dạng, bao bì bị rách, màu sắc khác thường, mùi khác lạ. Đặc biệt không mua sản phẩm trôi nổi, hàng hết hạn sử dụng, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn mác phụ bằng tiếng Việt...