Những bức tranh đắt giá nhất thế giới
Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến.
Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ thuật là một công việc khó khăn. Giá cả có thể dao động mạnh tùy theo xu hướng thị trường. Tuy nhiên, với một số nghệ sĩ nổi tiếng, tác phẩm của họ luôn được đánh giá cao, đến mức không ai bàn cãi về số tiền khổng lồ phải bỏ ra để mua. Trong những tác phẩm cực kỳ quý hiếm và có giá trị đắt đỏ này, chỉ một số ít đạt đến đỉnh cao nhất của thị trường nghệ thuật, lên đến hàng trăm triệu USD.
Dưới đây là một số bức tranh được bán hoặc ước tính giá trị cao nhất trong toàn bộ lịch sử nghệ thuật hội họa.
"Mona Lisa" của Leonardo da Vinci
Bức tranh Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci đã nằm trong bộ sưu tập tại Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) từ năm 1804. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự nổi tiếng của địa điểm này, thu hút hàng triệu khách tham quan mỗi năm.
Theo luật tại Pháp, bức tranh thuộc quyền sở hữu của người dân nước này. Việc bán Mona Lisa là điều hầu như không thể xảy ra, vì vậy cũng không thể đưa ra con số chính xác cho giá trị của tác phẩm.
Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm vào năm 1962, giá trị của bức tranh được đặt ở mức 100 triệu USD, tương đương hơn 834 triệu USD theo thời gian hiện nay, có tính đến yếu tố lạm phát.
Trong khi đó, vào năm 2020, doanh nhân Stephane Distinguin lập luận rằng Pháp có thể bán bức Mona Lisa để phục hồi sau tác động thảm khốc của đại dịch. Ông ước tính giá trị của tác phẩm có thể lên tới 50 tỷ USD, dựa trên số doanh thu mà nó mang lại. Song con số này cao quá mức tưởng tượng và bị hầu hết các chuyên gia nghệ thuật bác bỏ.
"Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci
Bức tranh đắt giá kế tiếp vẫn là một tác phẩm của danh họa thiên tài người Italy. Trong cuộc bán đấu giá vào năm 2017 tại New York (Mỹ), bức Salvator Mundi được bán thành công với con số kỷ lục 450 triệu USD.
Một trong những nguyên nhân giúp tác phẩm này có giá trị cao như vậy là do nó đã biến mất suốt 200 năm, trước khi được phát hiện lại vào năm 2005, trong trạng thái hư hỏng nặng và cần được phục hồi.
Hai nhà sưu tầm ở ở New York tìm thấy bức tranh. Họ trả 1.175 USD tại một cuộc đấu giá nghệ thuật ít người biết đến ở New Orleans, trước khi đưa đến nhà phục chế nghệ thuật nổi tiếng Dianne Modestini. Sau khi loại bỏ vết bẩn hàng trăm năm, bà nhận ra đây có khả năng là tác phẩm được vẽ bởi Leonardo.
Thái tử Ả Rập Saudi, Hoàng thân Sheikh Mohammed bin Salman Al Saud đã mua lại Salvator Mundi trong cuộc đấu giá nói trên. Mặc dù nổi tiếng và đắt đỏ, bức tranh vẫn chưa được trưng bày trong bất kỳ bộ sưu tập bảo tàng nào. Có tin đồn cho rằng tác phẩm này sẽ xuất hiện tại Louvre Abu Dhabi trong tương lai.
"Interchange" của Willem de Kooning
Bỏ xa kho tàng nghệ thuật hội họa đồ sộ hàng trăm năm, bức tranh có giá trị thứ 3 mọi thời đại có thể làm nhiều người ngạc nhiên. Interchange là một kiệt tác theo trường phái Biểu hiện Trừu tượng của họa sĩ Willem de Kooning, ra đời vào năm 1955.
Tháng 9/2015, Interchange được bán trong một thỏa thuận thương mại riêng tư từ David Geffen cho Kenneth C. Griffin, Giám đốc điều hành quỹ đầu cơ Citadel với giá 300 triệu USD, biến nó trở thành tác phẩm nghệ thuật hiện đại có giá trị nhất trên thế giới.
Bức tranh đang được chủ nhân cho Viện Nghệ thuật Chicago mượn và trưng bày công khai.
"The Card Players" của Paul Cezanne
Được công nhận là "cha đẻ của nghệ thuật hiện đại", các tác phẩm hội họa của Paul Cezanne luôn được định giá cao ngất ngưởng, thường đạt tới hàng triệu USD. Ông tạo ra 4 phiên bản khác nhau của The Card Players, 3 trong số đó nằm trong các bộ sưu tập lớn của bảo tàng công cộng.
Phiên bản đặc biệt còn lại được Hoàng gia Qatar mua vào năm 2011 với giá 288 triệu USD từ bộ sưu tập tư nhân của ông trùm vận tải biển Hy Lạp George Embiricos.