Tại sao xe đạp nam có thanh ngang, xe nữ lại không?
Thời xưa, sự khác biệt giữa xe đạp nam và xe đạp nữ là khung xe đạp nữ có thanh chéo, còn khung xe đạp nam có thanh ngang song song mặt đất.
Cách đây hơn 100 năm, xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến trong đời sống của con người. Vật liệu làm xe đạp ở thời kỳ đó không tốt như hiện nay, sức bền kém nên cần phải có thanh ngang giúp khung chịu lực khỏe hơn.
Nhưng với phụ nữ, việc xe đạp có thanh ngang sẽ khiến phụ nữ bất tiện khi sử dụng vì phải giơ chân lên cao mới có thể trèo lên xe được. Vì vậy, các nhà sản xuất đã làm ra chiếc khung xe đạp có thanh chịu lực chéo. Mặc dù điều này làm giảm khả năng chịu lực của xe nhưng thuận tiện hơn cho phụ nữ.
Về sau, người ta sử dụng các vật liệu tốt hơn để làm khung xe đạp như thép, hợp kim nhôm hay thậm chí là sợi các bon hay titan…Vì vậy, việc làm thanh chịu lực chéo hay ngang đều không ảnh hưởng đến độ vững chãi của xe. Thanh chịu lực chéo cũng thuận tiện hơn, an toàn hơn khi sử dụng, giảm chấn thương vùng háng nếu không may tai nạn xảy ra.
Vì vậy, dần dần các mẫu xe đạp có thanh chịu lực chéo trở nên phổ biến hơn so với thanh ngang.
Ngày nay, những mẫu xe đạp ít loại có thanh chịu lực nằm ngang hoàn toàn mà thường được làm hơi chéo để thuận tiện và an toàn hơn trong khi sử dụng song vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống.
Ngoài việc thay đổi khung xe đạp, các nhà sản xuất còn tinh chỉnh cả các bộ phận khác của xe đạp dành riêng cho nữ giới. Như tay lái và tay phanh. Tay gạt được thiết kế đặc biệt cho bàn tay nhỏ hơn. Hầu hết các công ty hãng xe đạp sử dụng yên dành riêng cho nữ giới, phần phía sau của yên xe rộng hơn để phù hợp với xương ngồi rộng hơn ở nữ giới.
Vật liệu khung cũng được điều chỉnh dành cho người lái có trọng lượng nhẹ hơn. Ví dụ, nhiều công ty sử dụng gióng khung hẹp hơn và nhẹ hơn trên xe đạp thể thao của nữ giới, giúp cho việc điều khiển xe dễ dàng hơn.