3 cách chiều con nhưng không làm hư con, cha mẹ nào cũng nên biết
Cha mẹ nào cũng yêu thương con, muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Tuy nhiên nếu không biết cách, cha mẹ rất dễ nuông chiều con thái quá dẫn đến làm hư con.
Nuông chiều con là cách nhiều bậc cha mẹ thể hiện sự yêu thương và quan tâm con, mong muốn bảo vệ con khỏi những nguy hiểm, khó khăn, để con có cuộc sống dễ dàng, tốt đẹp hơn. Thế nhưng nuông chiều con thế nào cho đúng để con vẫn cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, mà lại không ỷ thế sinh hư thì không phải chuyện dễ.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý, tổ chức thành công nhiều chương trình online về nuôi dạy con thu hút 10.000 – 15.000 cha mẹ tham gia, thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) gợi ý cho các bậc phụ huynh 3 cách chiều con nhưng không làm hư con.
Nếu áp dụng tốt 3 điều này, cha mẹ sẽ giúp con vừa được lớn lên trong tình yêu thương, vừa hình thành những phẩm chất tốt để thành công khi trưởng thành.
Trao cho con quyền lợi và nghĩa vụ trong gia đình
Cha mẹ cần đặt ra và thực thi các ranh giới một cách nhất quán về quyền và nghĩa vụ của con trong gia đình, quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ.
Nếu không rõ ràng điều này, trẻ thường nghĩ mình có quyền ăn, quyền chơi, quyền đòi hỏi và không có nghĩa vụ gì với gia đình, thiếu trách nhiệm, làm mọi thứ theo ý muốn cá nhân. Trẻ đòi mua điện thoại, quần áo đắt tiền dù gia đình không khá giả. Trẻ sống không có trách nhiệm, bày bừa đồ chơi ra giường rồi để mẹ hoặc giúp việc dọn dẹp, nay đi học thì mất bút, mai mất sách…
Do đó, cha mẹ không nên dễ dàng đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ mà nên yêu cầu trẻ thực thi nghĩa vụ thì mới được trao cho quyền lợi. Trẻ muốn được cha mẹ mua cho món đồ mình thích, vậy trẻ đã thực hiện tốt nghĩa vụ học tập chưa, hay vẫn để cha mẹ ngày ngày giục giã? Trẻ muốn được ăn món ngon, đi chơi những nơi thú vị, vậy trẻ đã làm tốt việc nhà được bố mẹ giao chưa?
Theo cô Lanh, áp dụng phương pháp này cha mẹ vẫn chiều con, con được đáp ứng những đòi hỏi của bản thân, nhưng không làm hư con bởi vì đã có ranh giới rõ ràng. Con biết được giới hạn và hiểu rằng muốn gia tăng quyền lợi thì cũng phải gia tăng trách nhiệm, nghĩa vụ.
Đây cũng là quy luật vận hành của cuộc sống. Quyền lợi càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều. Càng lười biếng, không chịu nhận nhiều trách nhiệm thì càng ít quyền lợi. Được rèn luyện ngay từ lúc còn nhỏ những điều này, khi trưởng thành ra ngoài xã hội, trẻ sẽ không bị bỡ ngỡ, sống có trách nhiệm vì đã sớm hiểu rằng cần phải làm việc chăm chỉ để đạt được những điều mình muốn.
Không giúp đỡ ngay khi con thất bại, sai lầm
Khi con gặp khó khăn hoặc mắc lỗi, nhiều phụ huynh có xu hướng lao vào giúp đỡ, làm hộ, sửa sai ngay giúp con. Ngày con còn nhỏ, thấy con ăn lâu, xúc đồ ăn vương vãi thì sốt ruột “để mẹ xúc cho”. Con làm việc nhà lóng ngóng, mất thời gian thì bảo “thôi cứ để đấy mẹ làm cho nhanh”. Con không làm được bài tập hoặc làm sai, cha mẹ liền giải bài hộ… Điều này khiến trẻ mất đi năng lực giải quyết vấn đề vì sai lầm, thất bại của trẻ đã được người lớn giải quyết thay, làm hộ.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết, thành công luôn được bồi đắp từ nhiều thất bại. Sai lầm, thất bại không xấu, nó giúp chúng ta học những bài học giá trị, là cách để trưởng thành. Nếu sợ thất bại, sai lầm sẽ mãi không thể trưởng thành được.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc mặc kệ con xoay xở với thất bại, sai lầm vì sẽ khiến trẻ cho rằng cha mẹ không quan tâm, yêu thương mình, có niềm tin giới hạn rằng mình vô dụng, chán ghét bản thân.
Cha mẹ hãy chọn cách giúp đỡ nhưng không làm hư con. Nên trò chuyện với con về những thất bại, sai lầm để con tìm cách khắc phục, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Hãy kiên nhẫn dẫn dắt, chỉ bảo, định hướng để trẻ đối mặt với sai lầm, vững vàng vượt qua thất bại.
Ghi nhận, động viên con
Song song với việc bình an giúp con vượt qua sai lầm, thất bại là ghi nhận, động viên con khi con đạt được thành tựu.
Trong hành trình trưởng thành, mọi đứa trẻ đều muốn được chú ý, ngợi khen để cảm thấy mình có giá trị. Cha mẹ hãy dành những lời khen tặng khi con chăm chỉ, đạt thành tích học tập tốt. Hoặc khi con làm điều gì đó giúp đỡ cho người khác, bố mẹ có thể khen con tốt bụng, nhân hậu.
Bằng cách khen ngợi, cha mẹ giúp trẻ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của gia đình dành cho mình. Đồng thời, cha mẹ ghi nhận con sẽ giúp con biết ghi nhận chính mình, tự hào về bản thân để trưởng thành trong sự tự tin, tỏa sáng trong cuộc đời.