Ông Luận làm giàu từ mô hình V.A.C
Nhờ chăm chỉ, chịu khó, ông Nguyễn Văn Luận (63 tuổi) ở xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã xây dựng thành công mô hình vườn - ao - chuồng (V.A.C), thu lãi trên 300 triệu/năm.
Trước đây, ông Luận chủ yếu đi làm thuê và chăn nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn. Với ước muốn vươn lên từ đồng ruộng quê hương, ông Luận đã xin chuyển đổi hơn 2 mẫu ruộng chiêm trũng để xây dựng mô hình V.A.C. Ngoài nguồn vốn tích góp của gia đình, ông còn vay mượn thêm để đào ao thả cá và xây dựng 300 m2 chuồng trại. Thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết, giá cả thị trường bấp bênh. Có lần, ông đầu tư hơn 20 triệu đồng để mua 30 con lợn giống từ Thái Bình về gây đàn nhưng chẳng may gặp dịch bệnh nên lợn chết hết. Từ bài học này, ông Luận chăm chỉ tìm tòi, học hỏi kiến thức liên quan đến chăn nuôi để hạn chế rủi ro, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
"Nhờ tích cực tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do hội nông dân các cấp tổ chức nên tôi tiếp cận được nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh. Sau mỗi chuyến đi thực tế tôi không chỉ có thêm kinh nghiệm mà còn nảy ra nhiều ý tưởng cho hướng phát triển kinh tế của gia đình", ông Luận cho biết.
Bên cạnh thả cá, nuôi lợn, ông tận dụng tối đa diện tích đất để trồng cây ăn quả và tre lấy măng. Theo ông Luận, đây là nguồn thu nhập không lớn nhưng ổn định, đặc biệt là không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị trường do tiêu thụ thuận lợi. Vụ măng tre đầu tiên ông Luận thắng lớn khi thu hoạch được khoảng 4 tấn măng, bán với giá trên 15.000 đồng/kg. Những năm tiếp theo, sản lượng măng tre giảm xuống còn 3 tấn/năm nhưng giá bán vẫn giữ ổn định. Ngoài măng tre, hằng năm ông Luận còn thu hoạch được hàng tấn bơ, mít, nhãn... "Măng tre là sản phẩm sạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên bán rất chạy và được giá. Trong khi đó, chi phí đầu tư và chăm sóc loại cây này khá thấp. Ngoài trồng tre lấy măng tôi còn trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhằm duy trì ổn định nguồn thu của gia đình", ông Luận chia sẻ.
Ông Luận khá thành công khi áp dụng phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Từ nguồn thu ổn định từ vườn cây, ông có kinh phí để thả cá và chăn nuôi lợn. Với diện tích 7.000 m2 ao, ông nuôi chủ yếu các loại cá trắm cỏ, rô phi, mè, chép. Trang trại lợn của ông có thời điểm nuôi đến 500 con. Ông còn đứng ra thành lập đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi. Trong quá trình buôn bán, ông Luận thường tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của chủ các trang trại khác.
Từ năm 2014 - 2016, ông Luận đạt thu nhập cao từ mô hình V.A.C. Ở giai đoạn này, mỗi năm ông xuất bán từ 100 - 120 tấn cá, 80 tấn lợn thương phẩm và gần 1.000 con lợn con. Năm 2014, ông thu lãi hơn 400 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt; năm 2015 tăng lên khoảng 600 triệu đồng và năm 2016 là gần 1 tỷ đồng. Nhờ thành tích nổi bật, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016.
Hiện nay, do tuổi cao nên ông chủ động giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Ông duy trì nuôi khoảng 100 con lợn bố mẹ và lợn thương phẩm. Đối với diện tích ao nuôi, ông vẫn tập trung thả các loại cá nước ngọt với tổng sản lượng khoảng 60 tấn/năm. Tre lấy măng và các loại cây ăn quả vẫn đem lại nguồn thu khoảng 50 triệu đồng/năm. Ông thu gọn thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi trong huyện với sản lượng khoảng 200 tấn/năm. Trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi trên 300 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh.
"Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Luận còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ nông dân khác trong huyện. Qua đó giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương", đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết.