Những vườn quốc gia lớn hơn một đất nước
Vườn quốc gia Northeast Greenland có diện tích rộng hơn gần 170 quốc gia trên thế giới còn Tam Giang Nguyên xấp xỉ diện tích nước Anh.
Dưới đây là các vườn quốc gia lớn nhất thế giới trải khắp nhiều châu lục. Danh sách như một gợi ý cho chuyến đi sắp tới của du khách từ các chuyên gia du lịch CNN.
Bắc Mỹ
Trải dài trên gần một nửa hòn đảo lớn nhất thế giới Greenland, Vườn quốc gia Northeast Greenland hiện là vườn quốc gia lớn nhất thế giới và cũng là khu bảo tồn trên đất liền lớn nhất hành tinh. Greenland là lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch.
Vườn Northeast Greenland có diện tích 972.000 km2 (gấp ba lần Việt Nam) và chỉ nhỏ hơn 29 quốc gia được Liên hợp quốc công nhận, lớn hơn gần 170 nước còn lại. Đây là một trong những khu vực được bảo vệ rộng lớn cuối cùng còn sót lại, nơi động vật hoang dã, thực vật và cảnh quan hầu như không bị tác động bởi con người, theo Visit greenland. Vườn quốc gia gần như không có người sinh sống ngoại trừ nhân viên ở một số trạm khí tượng, cơ sở nghiên cứu và quân sự. Trong vườn có vô số vùng lãnh nguyên rộng lớn, những ngọn núi ngoạn mục và vịnh hẹp sâu chứa đầy băng trôi.
Đại diện Nanu Travel, công ty chuyên cung cấp các tour khám phá Northeast Greenland National Park, cho biết cách tốt nhất để đến nơi này là đi từ thị trấn gần nhất Ittoqqortoormiit, bằng thuyền vào mùa hè, bằng xe trượt tuyết do chó kéo vào mùa đông.
Nam Mỹ
Vườn quốc gia Chiribiquete nằm ở đông nam Colombia, diện tích 43.000 km2, có rừng mưa nhiệt đới và những ngọn núi đỉnh bằng phẳng (tepui) khiến nơi này trông giống như "Công viên kỷ Jura" hơn là thuộc về thế giới hiện đại. Chiribiquete có thể không có khủng long nhưng đây là nơi sinh sống của những kẻ săn mồi đáng gờm như báo đốm.
Du khách có thể khám phá nơi này qua tour ngắm cảnh mang tên "Thế giới đã mất" của công ty du lịch địa phương Colombia Oculta.
Châu Á
Được thành lập vào năm 2021, Vườn quốc gia Tam Giang Nguyên của Trung Quốc có diện tích 123.100 km2, xấp xỉ diện tích nước Anh. Tam Giang Nguyên nằm trên cao nguyên Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải, nơi bắt nguồn của ba con sông nổi tiếng Hoàng Hà, Dương Tử, Mekong.
Vườn quốc gia hẻo lánh này là nơi cư trú của nhiều động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương như báo tuyết, chó sói Himalaya, bò Tây Tạng hoang dã và hươu xạ hương Alpine.
Châu Đại Dương
Năm 2021, chính phủ Australia công bố sa mạc Munga-Thirri-Simpson là vườn quốc gia và mục tiêu của việc này là nhằm bảo vệ cảnh quan tuyệt đẹp ở vùng cực bắc của bang Nam Úc (South Australia). Vườn có diện tích 36.000 km2, gồm những cồn cát lớn nhất thế giới, rừng cây keo, đồng cỏ và chuỗi hồ khô (thỉnh thoảng có nước, thường có đáy chứa hạt mịn, khoáng chất bay hơi) cùng nhiều loài động vật.
Hiện nay trong vườn Munga-Thirri-Simpson chưa có nhiều dịch vụ phục vụ du khách, chưa có đường trải nhựa. Do đó nơi này chỉ phù hợp với những du khách thành thạo kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã. Theo website của vườn, thời gian tốt nhất để ghé thăm trong năm là thu, đông, xuân. Vườn đóng cửa hằng năm từ 1/12 đến 15/3, thời điểm mùa hè, nhằm đảm bảo an toàn vì nhiệt độ ngoài trời có thể vượt quá 50 độ C.
Châu Phi
Một số cồn cao cao và lớn nhất thế giới nằm ở trung tâm Công viên quốc giaNamib Naukluft thuộc Namibia, nơi có diện tích gần 50.000 km2. Du khách có thể dễ dàng khám phá nơi này bằng ôtô. Đường chính trong công viên dẫn tới cồn cát Sossusvlei và Dead Vlei nổi tiếng cùng khu rừng với khung cảnh ma mị. Ngoài ra, khách có thể đặt tour để bay với khinh khí cầu ngắm toàn cảnh khu vực từ trên cao.
Châu Âu
Vatnajökull là vườn quốc gia nằm ở Iceland, có diện tích hơn 14.000 km2, là nơi khắc họa rõ nét đặc tính "lửa và băng" của hòn đảo, nơi được ví như xứ sở thần tiên với núi lửa, suối nước nóng, vịnh hẹp cùng sông băng. Du khách có thể dễ dàng khám phá nơi này với các hoạt động đi bộ đường dài, cắm trại, ngắm chim thú.
Nam Cực
Nam Cực chưa có vườn quốc gia mà thay vào đó là Ross Sea Marine, khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất nằm ở châu lục này. Được thành lập vào năm 2016, khu bảo tồn trải rộng trên diện tích 1,55 triệu km2, là nơi sinh sống của hàng triệu động vật vùng cực như chim cánh cụt, cá voi, hải cẩu, chim biển.
"Trong những năm 1980, các tổ chức phi chính phủ đã thúc đẩy ý tưởng rằng Nam Cực nên được chỉ định là một công viên thế giới. Nhưng điều này đã không xảy ra", Claire Christian, CEO Liên minh Nam Cực & Nam Đại Dương cho biết.
Thay vào đó, các quốc gia thuộc Hiệp ước Nam Cực đã ký Nghị định thư về Bảo vệ Môi trường, cấm khai thác mỏ và thiết lập các quy tắc nhằm giảm thiểu tác động môi trường của các hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học ở Nam Cực.