Bà cụ 101 tuổi vẫn hít đất "cho khỏe người"
Sáng sớm, trong ngôi nhà dưới tán rừng cao su mát ở Long Hà (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước), cụ bà Nguyễn Thị Kết (101 tuổi) vui vẻ trở dậy. Con dâu cả Nguyễn Thị Hiền bật chương trình thể dục trên tivi cho mẹ chồng tập... hít đất - môn cụ yêu thích.
"Mẹ tôi thích tập thể dục lắm, ngày hai lần. Tập theo tivi không đã vì bà khoái tập nhanh. Bà nói không tập thì đau mỏi, tập mới thuần người" - bà Hiền, 68 tuổi, vui vẻ cho biết thêm con cháu trong nhà đều yêu thương, cưng chiều bà cụ như cây đại thụ của gia đình.
Bà cụ 101 tuổi vẫn hít đất 30 cái
Sau khi xoay tay trái, cụ Kết chuyển qua tay phải, cúi người, xoay hông… tổng cộng 200 cái trong nửa giờ. Cao hứng, cụ hít đất 30 cái một cách nhanh nhẹn, gương mặt không lộ rõ nét mệt hay thở dốc trong sự ngỡ ngàng của người lạ như tôi.
Trong lúc mẹ chồng tập, người con dâu tóc cũng đã muối tiêu nhìn theo, vừa cổ vũ vừa có ý trông chừng không để cụ quá sức. Trời thương, bao năm sức khỏe cụ Kết dẻo dai, "ngoại trừ một lần bị sốt rét, còn lại tôi không tốn viên thuốc nào bỏ vào miệng".
Tập thể dục xong, cụ thủng thẳng đi rửa mặt, trong khi con dâu vui vẻ bưng ra tô bún nóng hổi. Ăn xong, cụ lò dò xuống vườn ngó đàn gà và xem cây bưởi trái đã lớn chưa. Khi mẹ bước xuống bậc thềm cao, con dâu lật đật chạy lại đỡ nhưng cụ xua tay.
Nhìn mẹ chồng với ánh mắt trìu mến, bà Hiền nói: "Mẹ hay dặn chúng tôi là bà đi đứng vững lắm, không cần ai dìu đỡ. Mới hồi năm ngoái, bà hay xách mũ bảo hiểm ra đường đứng, thấy ai đi ngang thì ngoắc lại để quá giang đi thăm người này người kia. Người ta hỏi đi rồi sao về được, mẹ cười toe nói cứ chở đi lát bà tự về…".
Cho gà ăn xong, cụ Kết ngồi thong thả kể: "Tôi đang ở với vợ chồng đứa con cả. Mọi năm còn làm vườn điều, mỗi ngày tụi nó vô vườn, còn tôi ở nhà nấu cơm, cho gà ăn, làm việc nhà".
Bà cụ ít khi ngồi một chỗ, lâu lâu lại quay qua vui vẻ căn dặn con cháu những việc trong nhà. Mỗi lần như thế, bà Hiền đều nghe chăm chú và dạ thưa cho mẹ chồng vui lòng.
Có một lần cụ Kết khiến cả nhà hú vía. Bà Hiền xuýt xoa kể lại: "Năm 2019, mẹ nằm võng ngủ liên tù tì… hai ngày ba đêm. Tôi với chồng đi nhặt điều về, hôm trước thì vẫn để cho mẹ ngủ. Nhưng hôm sau thấy mẹ ngủ hoài, lay mà không dậy". Cả nhà hoảng hốt đưa cụ đi viện. Bác sĩ khám rồi nói cụ không bị bệnh gì, các chỉ số đều tốt một cách lạ lùng!
Sau đó, cụ Kết như từ cõi nào thức dậy và hỏi con cháu sao mình… ngủ lâu quá, "từ bé đến lớn mới ngủ một giấc đã vậy". Sau giấc ngủ dài kỳ lạ đó, bà Hiền và mọi người càng chăm chút cho bà cụ nhiều hơn.
Giữ nếp nhà hạnh phúc
Cuối tuần nên con cháu cụ Kết tụ về. Cạnh chiếc bàn tròn bên hiên nhà, chị Thủy - cháu nội - đang tươi cười xoa lưng, xoa tay cho cụ Kết. Cụ chút chút lại nựng gương mặt bầu bĩnh của cháu mình như hồi cháu còn nhỏ. Hai bà cháu chọc ghẹo nhau rồi cười vang ấm áp cả nhà.
Liền đó, bà Nguyễn Thị Thanh Bằng (56 tuổi, con gái kế út) và con trai cũng vừa từ thị xã Phước Long về thăm. "Con ghé chợ mua con cá trắm to này. Nay con nấu canh lá mì, kho gà...", bà hào hứng khoe với mẹ. Rồi bà sà xuống ngồi sát bên, cứ tủm tỉm cười khi nghe mẹ kể chuyện hổm rày mưa nắng thế nào, tập thể dục ra sao.
Bà Bằng kể mẹ mình tuy tuổi đã hơn trăm nhưng luôn chú ý chuyện ăn mặc, cách trò chuyện, đi đứng, cư xử trong ngoài. Nghe cụ trò chuyện, chúng tôi có cảm giác cụ như một cây cổ thụ che bóng mát yêu thương và truyền dạy những bài học nhân nghĩa cho con cháu nên người…
Mùi cơm chín, canh thơm từ bếp luồn ra ngoài hiên. Mọi người xúm nhau dọn cơm. Lau vội giọt mồ hôi, bà Hiền cẩn thận xay nát thịt gà và bí đỏ cho mẹ dễ nuốt. "Mấy hôm nay bà bị đau hàm, mấy thứ này mềm dễ ăn", bà Hiền nói.
Bữa cơm diễn ra ấm cúng. Các con ai cũng chăm chút cho bà cụ. Bà Bằng lúc thì chan canh, lúc lấy nước cho mẹ uống, còn mấy người cháu ngồi pha trò. Nhìn bà Bằng và bà Hiền ngồi sát bên, nếu không hỏi có lẽ ai cũng nghĩ đó đều là con gái ruột.
Cả nhà noi gương "cây cổ thụ"
Một trong những điều khiến đại gia đình luôn nể phục cụ Kết chính là trí nhớ siêu phàm của cụ. Ngồi kể chuyện cũ, cụ cho biết mình từ Hà Tây vào xứ này lập nghiệp năm 1978. Trên vùng đất hoang vu, vợ chồng dựng nhà, trồng lúa, làm bún, làm đủ việc để nuôi tám người con.
"Được mấy năm, chồng tôi bệnh mất, một mình tôi gồng gánh gia đình" - cụ xúc động nhớ lại, dù cảnh nhà thiếu thốn nhưng luôn chú trọng nuôi dạy con nên người, dựng vợ gả chồng êm thấm.
Những câu chuyện xa xưa cụ vẫn nhớ từng chi tiết, ngày tháng, trong khi các con thừa nhận không nhớ rõ bằng mẹ.
Bà Bằng nói: "Mẹ tôi vẫn hình dung rõ các món sính lễ trong đám cưới từng đứa con, cũng như tên những người cháu hoặc những ai bà đã tiếp xúc. Trong nhà có chuyện gì lớn nhỏ bà đều không quên". Một trong những kỷ niệm thân thương của bà Bằng với mẹ là những ngày tháng mình đi học xa, "mẹ xuống tận nơi thăm nom dặn dò dù việc nhà đầu tắt mặt tối".
Con cháu cũng đang học hỏi cụ Kết về lối sống điều độ, ăn đúng bữa, ngủ đúng giấc, không ăn vặt… Họ còn kể rằng ngày cha còn sống, không khi nào họ thấy cha mẹ cãi nhau. Gia đình tứ đại đồng đường, trên dưới hòa thuận nề nếp khiến chòm xóm đều nể trọng.
Bà Bằng vui vẻ tâm sự mẹ mình luôn có lòng thương người: "Trong thôn có chú Hùng bị chất độc da cam, nhà cũng khổ. Mỗi lần chú qua nhà, mẹ tôi không nhiều tiền cũng dúi cho mấy chục ngàn, an ủi mấy câu". Bây giờ ở tuổi quá bách niên, hằng ngày cụ vẫn tự tắm rửa, sinh hoạt cá nhân, không cho con cháu phụ giúp. Tết rồi cụ còn tự tay gói bánh tét.
Và xưa giờ cụ Kết cũng chuộng thơ phú, ca hát dù luôn tất bật với đàn con cháu. Cụ thuộc khá nhiều và thường hát giải trí mỗi khi rảnh rỗi. "Ai mang tôi đến chốn này/ Bên kia đống rạ bên này đống rơm", "Em như hoa gạo trên cây/ Anh như một đám cỏ may bên đường"... Cụ ngân nga rồi cười toe toét như một cô gái với chúng tôi...
Có khách là chúng tôi nên cụ Kết mặc chiếc áo gấm đỏ tay dài. Thấy mẹ tươi cười mân mê tay áo, bà Bằng nhớ lại: "Dịp mừng thọ 100 tuổi năm ngoái, mẹ được Chủ tịch nước tặng xấp vải gấm đỏ. Bà thích lắm, nhờ tôi đi may hai áo dài và một áo bà ba để bà mặc mỗi ngày cho đẹp".
Ông Nguyễn Văn Hưng, chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hà, cho biết cụ Kết là người sống tình nghĩa, được nhiều người kính trọng. Gia đình cụ thương yêu, đoàn kết. Riêng cụ, trong làng ngoài xóm có ai ốm đau, nhà nào có chuyện vui buồn, cụ đều đến thăm hỏi. Cụ là bạn thân của mẹ mình nên ông rất quý.
"Có lần tôi đi dự một đám tang, gặp cụ đang lóc cóc đi bộ gần tới, cầm gậy nhưng không chống. Tôi hỏi sao không ai chở đi thì cụ nói đi bộ cho khỏe…", ông kể.