Công ty có quyền đuổi việc nhân viên ngoại tình?
Hỏi: Nếu biết hai nhân viên ngoại tình với nhau, công ty có quyền đuổi việc hay can thiệp vào đời tư của họ? Có sự khác nhau trong xử lý vấn đề này ở công ty tư nhân và công ty nhà nước không?
Minh Thắng (Bình Giang)
Trả lời: Theo khoản 2 điều 5 Bộ luật Lao động, người lao động không những phải tuân thủ pháp luật về lao động mà còn phải tuân thủ hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác cũng như chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động tại nơi làm việc.
Đối chiếu với quy định trên, nếu hợp đồng lao động, nội quy lao động của công ty quy định chế tài xử lý hành vi ngoại tình của người lao động (với điều kiện các chế tài đó không trái luật) thì khi người lao động vi phạm, người sử dụng lao động có quyền áp dụng và người lao động bắt buộc phải chấp hành.
Trường hợp trong hợp đồng lao động, nội quy lao động không quy định chế tài đối với hành vi ngoại tình của người lao động hoặc có quy định nhưng trái luật (ví dụ người vi phạm bị trừ lương, bị phạt tiền...) thì người sử dụng lao động vẫn có thể sa thải nhân viên khi hành vi ngoại tình gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản (đánh ghen, đập phá tài sản doanh nghiệp...) hoặc lợi ích (như gây mất trật tự, mất đoàn kết tại nơi làm việc, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp...) được quy định tại khoản 3 điều 124 Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại trong trường hợp này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu hợp đồng lao động, nội quy lao động không quy định mức thiệt hại thế nào thì được coi là thiệt hại nghiêm trọng.
Các quy định nói trên được áp dụng chung cho cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Trên thực tế, khối doanh nghiệp nhà nước thường ban hành nội quy lao động khá đầy đủ, chi tiết nên khi xử lý vi phạm cũng dễ dàng hơn.