Không dùng tiền mặt để tránh lạm thu: Liệu có khả thi?
Chuyện lạm thu trong trường học đã không còn mới, nhưng làm cách nào để hạn chế và loại bỏ tình trạng này? Giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra đó là, không dùng tiền mặt để tránh lạm thu tại các trường. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy giải pháp này cũng bộc lộ không ít bất cập.
Muôn kiểu lạm thu
Năm học 2023- 2024 vừa bắt đầu, nhưng phụ huynh lớp 1 Trường tiểu học Xuân Hòa (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) rất bức xúc, bởi năm nào học sinh khối 1 cũng phải đóng tiền lắp điều hòa mới trong khi điều hòa cũng đã có sẵn từ các khối lớp trước để lại. Biên bản thống nhất việc lắp điều hòa được ký giữa ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên có nội dung phụ huynh đồng ý trao tặng lại 12 điều hòa cho nhà trường. Số tiền đóng góp cũng cào bằng là 500.000 đồng/học sinh.
Ngoài ra, học sinh khối 1 phải đóng thêm tiền mua sách bổ trợ cao hơn giá niêm yết trên sách và 50.000 đồng cho các đồ dùng trang trí cho lễ khai giảng. Ngay sau khi phụ huynh phản ánh, nhà trường đã họp tất cả giáo viên và trả lại số tiền thu thêm cho phụ huynh.
Tháng 8/2023, nhiều phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Thanh Trì (Hà Nội) phản ánh việc "phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng thì không được lắp".
Đầu năm học này, phụ huynh Trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương) nhận được thông báo về các khoản thu với tổng số tiền là 8.715.000 đồng/học sinh. Trong đó có nhiều khoản thu theo phụ huynh là vô lý hoặc không phù hợp. Ngay sau khi phụ huynh phản ánh, báo chí vào cuộc, Trường THPT Thanh Miện 3 đã có thông báo điều chỉnh các khoản thu đầu năm. Theo đó, khoản trông giữ xe giảm từ 300.000 đồng/học sinh xuống còn 100.000 đồng với xe đạp và 200.000 đồng với xe điện, xe máy điện. Nước uống giảm từ 100.000 đồng xuống 70.000 đồng. Sổ liên lạc điện tử giảm từ 150.000 đồng xuống còn 100.000 đồng. Kiểm tra chung từ 200.000 đồng xuống còn 100.000 đồng. Bỏ khoản thu 150.000 đồng tiền ti vi. Khoản xã hội hóa 300.000 đồng được đưa vào khoản thu tự nguyện, không cào bằng để làm một số công trình của nhà trường.
Như vậy, có thể thấy, rất nhiều hạng mục đã được Trường THPT Thanh Miện 3 điều chỉnh theo hướng bỏ hoặc giảm đáng kể so với thông báo ban đầu. Riêng tiền học thêm công khai mức thu theo số tiết thực học của mỗi học sinh thay vì thu gộp cả năm không rõ học môn gì, bao nhiêu tiết và học sinh nào cũng giống nhau là hơn 2 triệu đồng.
Trước đó, tháng 7/2023, hàng chục phụ huynh Trường Tiểu học Văn Luông, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) tập trung ở cổng trường vì bất bình việc trường thu 90.000 đồng sổ liên lạc điện tử một năm nhưng phụ huynh chưa từng được sử dụng dịch vụ này lần nào. Cũng ngôi trường này, năm học trước có nhiều khoản thu vô lý khiến phụ huynh bức xúc như tiền bảo vệ 90.000 đồng, hỗ trợ các hoạt động giáo dục 100.000 đồng, hỗ trợ các cuộc thi 100.000 đồng, ủng hộ cơ sở vật chất 450.000 đồng... Bức xúc hơn, sau đó một số phụ huynh được trả lại tiền với tổng số tiền là 40 triệu đồng trong khi những phụ huynh khác thì không.
Giảm gánh nặng đầu năm học
Gánh nặng đầu năm học của mỗi gia đình là rất lớn. Nhiều phụ huynh chỉ ra trong bảng thông báo của Trường THPT Thanh Miện 3, có nhiều khoản nhà trường thu cho cả học kỳ, thậm chí thu cả năm khiến số tiền đội lên rất lớn. Thậm chí, năm học 2023-2024 UBND tỉnh Hải Dương chưa có quyết định về mức học phí nhưng nhà trường đã dự kiến thu luôn cả kì (4 tháng). Tương tự, tiền học thêm hơn 2 triệu đồng nhà trường cũng thu trước 17 tuần. Số tiền đồng phục lên tới 1.464.000 đồng cho cả combo 8 món thay vì để phụ huynh tự nguyện đăng ký mua những đồng phục còn thiếu. Dù nhà trường lý giải combo đồng phục này dùng cho cả 3 năm học nhưng mỗi năm học sinh mỗi lớn, năm nay mua 1 loạt, năm sau không còn vừa lại mua loạt mới là quá tốn kém.
Kiểu thu gộp của các trường đang khiến cho phụ huynh “méo mặt” nên mong muốn trước hết của phụ huynh đó là học tháng nào, thu tháng đó. Các khoản thu phải minh bạch, cụ thể là chi cho hạng mục gì. Chẳng hạn, xã hội hóa sẽ dùng vào việc gì? Chi tiết dự kiến thu chi ra sao, được Sở cấp phép hay chưa trước khi thực hiện thu tiền của phụ huynh.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, mặc dù danh mục các khoản được phép thu trong nhà trường đã quy định rõ ràng, khoản nào được phép thu và thu tối đa là bao nhiêu nhưng năm học nào cũng xảy ra hiện tượng lạm thu.
Nguyên nhân là do quản lý chưa chặt, chưa nghiêm; thứ hai, bản thân phụ huynh không nắm rõ danh mục các khoản được phép thu và không được phép thu nên khi nhà trường phát động phụ huynh cứ đóng góp mà không rõ khoản nào mình không phải nộp. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền tới phụ huynh và nhân dân về các khoản thu trong trường học. Đặc biệt, phải quy trách nhiệm tới người đứng đầu trường học. Trường học xảy ra hiện tượng lạm thu thì hiệu trưởng phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng.
Đa dạng hóa các hình thức thu học phí
Một trong những giải pháp chống lạm thu được Bộ GDĐT chỉ ra đó là thời gian tới, mọi khoản thu của các trường sẽ không dùng tiền mặt. Trên thực tế, đây không phải cách làm mới, nhiều địa phương đã và đang thực hiện.
Cụ thể, tại họp báo Chính phủ mới đây, liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Để tránh lạm thu đầu năm học, đối với khối giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Điều quan trọng là các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Cùng với đó, cố gắng xây dựng lộ trình, tiến tới mọi khoản thu ở trường đều không dùng tiền mặt, qua đó góp phần khắc phục chuyện lạm thu.
Dẫu thế, thời gian qua việc đóng học phí qua app cũng rất rối rắm và có nhiều vấn đề phát sinh. Chị Nguyễn Phương Thanh (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) phản ánh trường kêu gọi phụ huynh đóng các khoản phí bằng phương thức không dùng tiền mặt nhưng chỉ đưa ra một cách duy nhất là tải app của một đơn vị rồi thanh toán qua app đó. Dù không phải trả phí nhưng phụ huynh phải khai nhiều thông tin cá nhân mới có thể sử dụng app trong khi vấn đề bảo mật thông tin cá nhân không được cam kết rõ ràng khiến nhiều phụ huynh lo ngại.
Tương tự, nhiều trường học khác thực hiện đóng học phí và phụ phí qua tài khoản ngân hàng. Phụ huynh sẽ phải dùng tài khoản ngân hàng của cá nhân cũng phải thuộc ngân hàng đó để thanh toán. Những phụ huynh chưa có tài khoản sẽ phải đăng ký mở tài khoản ngân hàng qua nhà trường hoặc tự mở tài khoản.
Mặc dù đa số phụ huynh đồng tình với việc thu học phí, phụ phí không dùng tiền mặt nhưng làm sao để thuận tiện, tránh độc quyền là mong muốn của tất cả phụ huynh. Bởi nếu phụ huynh đã sẵn có tài khoản ngân hàng khác, việc lập thêm một tài khoản chỉ để thanh toán học phí sẽ gây lãng phí. Hay việc chỉ được đóng tiền qua app thay vì chuyển khoản trực tiếp đến nhà trường với nhiều phụ huynh cũng là thêm rắc rối không cần thiết.
Đa dạng hóa các kênh thanh toán để phụ huynh có nhiều lựa chọn, thuận tiện trong việc đóng các khoản phí là mong mỏi của tất cả các phụ huynh. Cách làm này cũng giúp minh bạch, không tạo lợi thế cho bất kỳ một ngân hàng hay đơn vị trung gian thanh toán để gây khó khăn cho phụ huynh. Nhà trường có thể khuyến khích phụ huynh sử dụng app để thanh toán nhưng cần lựa chọn đơn vị uy tín với cam kết đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong đó lưu ý đến việc làm chủ dữ liệu và bảo mật thông tin riêng tư.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội):
Phải thuận lợi cho cả nhà trường, phụ huynh
Không chỉ trong nhà trường mà thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Giải pháp này đã được Bộ GDĐT chỉ ra và nhiều tỉnh, thành phố đã và đang áp dụng. Đây là giải pháp được nhiều người ủng hộ, nhằm giúp tăng tính minh bạch, giảm công sức và giảm lạm thu. Phụ huynh lâu nay không còn phải đến tận trường để trực tiếp đóng tiền. Nhà trường cũng giảm bớt chi phí về hóa đơn giấy và tiết kiệm nguồn nhân lực.
Tôi được biết không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM mà nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh triển khai việc này nhằm hiện thực hóa Đề án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ. Như Quảng Ngãi, từ năm học 2023 - 2024, các trường học trong tỉnh sẽ áp dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Dẫu vậy, để tạo thuận lợi, không gây khó khăn, bức xúc cho phụ huynh, cần tránh độc quyền chỉ một app hay một ngân hàng duy nhất để thanh toán. Phải đưa ra nhiều sự lựa chọn để phụ huynh chọn phương án phù hợp nhất với gia đình. Trong giai đoạn đầu thực hiện, nhà trường cần tổ chức quầy hướng dẫn tại trường cho phụ huynh và vẫn triển khai thêm giải pháp mở là bộ phận tài vụ thu tiền trực tiếp của phụ huynh để phụ huynh từ từ làm quen.