Lợi ích đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Hải Dương đã đấu giá thành công 5 mỏ khoáng sản ở Chí Linh. Đây là năm đầu tiên Hải Dương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Thực tế, đến nay Hải Dương mới tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là muộn. Bởi lẽ, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được Quốc hội khóa XII ban hành ngày 17/11/2010 đã có quy định về nguyên tắc, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 15/5/2012. Sau đó, các văn bản hướng dẫn được ban hành.
Nhiều địa phương trong cả nước đã phê duyệt kế hoạch đấu giá và đấu giá thành công nhiều mỏ khoáng sản từ sớm. Số liệu thống kê từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, từ năm 2014-2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá gần 600 khu vực khoáng sản, trong đó đấu giá thành công trên 300 mỏ.
Năm 2020, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 5 khu vực, tổng diện tích hơn 83 ha ở TP Chí Linh. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt giá khởi điểm, tiền đặt trước và bước giá cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1 năm 2020 đối với 5 khu vực. Tuy nhiên, do hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian trước còn nhiều bất cập nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản để rà soát, khắc phục. Do đó việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa được triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Những năm trước, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu khai thác nên diện tích mỗi khu vực cấp giấy phép thường nhỏ, gây khó khăn trong hoạt động khai thác do địa hình khu vực mỏ bị chia cắt và kế hoạch khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp khác nhau. Có doanh nghiệp chưa lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại khu vực mỏ, khai thác chưa đúng thiết kế...
Việc quản lý trữ lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ được cấp phép trước đây chủ yếu dựa vào khai báo của doanh nghiệp. Theo báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021, tổng số tiền các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 142 tỷ đồng và năm 2022 là hơn 140 tỷ đồng. Con số này cho thấy số tiền thu về ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản không tương xứng với tiềm năng.
Đầu tháng 4/2023, cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đầu tiên của tỉnh đã được triển khai với 2 mỏ khoáng sản là mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp tại đồi Hang Hổ thuộc phường Hoàng Tiến và mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại đồi Trại Mét và đồi Trại Quan, phường Bến Tắm (Chí Linh). Ngày 21/7/2023, cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản lần 2 được tổ chức với 3 mỏ khoáng sản còn lại trong kế hoạch được tỉnh phê duyệt.
Kết quả trúng đấu giá đều cao hơn giá khởi điểm rất nhiều (cao hơn từ 909 triệu đồng đến hơn 70 tỷ đồng). Theo tính toán sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường, khi các doanh nghiệp trúng đấu giá khai thác khoáng sản 5 mỏ này sẽ thu về cho ngân sách nhà nước trên 300 tỷ đồng.
Từ phân tích trên cho thấy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản có nhiều lợi ích. Doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh công bằng, hạn chế việc độc quyền trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Qua đấu giá sẽ lựa chọn được doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, góp phần giảm thiểu các tác động đến môi trường. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng sẽ tăng thu ngân sách nhà nước, từng bước góp phần xóa bỏ được cơ chế “xin – cho” trong cấp phép khai thác khoáng sản.
Kết quả nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản của cơ quan chức năng cho thấy trên địa bàn Hải Dương có khoảng 24 loại hình khoáng sản, được phân bố chủ yếu ở Chí Linh và Kinh Môn. Để phát huy hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có khoáng sản cần tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tới.