Góc nhìn

"Đảo nợ" không dễ

SỸ THẮNG 15/09/2023 07:00

Để Thông tư 06 đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng thương mại có sự liên thông với nhau cùng giải chấp tài sản mà khách hàng đang sử dụng làm tài sản bảo đảm.

Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư số 39/2016 có hiệu lực từ ngày 1/9 cho phép khách hàng được vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác. Nghiệp vụ này được người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng gọi là "đảo nợ". Việc cho phép "đảo nợ" các khoản vay kể cả vay để tiêu dùng được đánh giá cao do nhiều khách hàng đang phải chịu mức lãi suất vay trên 10%/năm.

Việc "đảo nợ" trong hệ thống ngân hàng không mới. Thông tư số 39/2016 cho phép người dân, doanh nghiệp được vay để "đảo nợ" cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cấm "đảo nợ" để phục vụ nhu cầu tiêu dùng như mua nhà, đất, ô tô...

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng rất thấp, dòng tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh mà ứ đọng rất lớn trong hệ thống ngân hàng, việc ban hành Thông tư 06 cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang "bắn 1 mũi tên nhắm 3 đích". Thứ nhất, "đảo nợ" phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhằm khuyến khích người dân vay tiền để chi tiêu nhiều hơn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế. Thứ hai, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, đặc biệt các ngân hàng quy mô nhỏ nhưng dư nợ cho vay lĩnh vực rủi ro như bất động sản, trái phiếu... tăng cao nên khi "đảo nợ" sẽ san sẻ khoản nợ xấu từ ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sang ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn. Thứ ba, mặc dù lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn khá cao và có sự chênh lệch giữa nhóm ngân hàng lớn và phần còn lại. Do đó, đây là thời điểm để các ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh nhằm kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm, qua đó kích thích kinh tế tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc "đảo nợ" các khoản vay không dễ. Một đồng nghiệp của tôi đang vay 500 triệu đồng của một ngân hàng thương mại Nhà nước để mua nhà với lãi suất 11%/năm, thời gian vay còn lại 7 năm. Sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, người bạn có ý định vay ở một ngân hàng mới có lãi suất thấp hơn để trả ngân hàng cũ. Thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đang tung ra nhiều gói tín dụng với mức lãi suất từ 6 - 8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 11% mà bạn tôi đang vay. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ và được tư vấn từ những người am hiểu lĩnh vực ngân hàng, bạn tôi quyết định không "đảo nợ", chấp nhận mức lãi suất cao. Nguyên nhân do tổng chi phí để "đảo nợ" gần bằng chênh lệch lãi suất giữa ngân hàng mới và ngân hàng cũ. Kỳ hạn của các gói lãi suất này khá ngắn, từ 6 tháng đến dưới 24 tháng. Sau đó, các ngân hàng sẽ áp mức lãi suất tùy theo diễn biến của thị trường tiền tệ.

Thực tế cho thấy để vay khoản tiền từ ngân hàng mới có lãi suất thấp hơn để trả ngân hàng cũ, khách hàng có 2 lựa chọn. Thứ nhất, khách hàng phải tất toán toàn bộ khoản vay trước đó để rút tài sản thế chấp ở ngân hàng cũ mang thế chấp cho khoản vay ở ngân hàng mới. Thứ hai, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác thế chấp để vay ngân hàng mới rồi lấy tiền trả cho ngân hàng cũ. Với cách vận hành như trên, người dân không dễ thực hiện. Ngoài ra, khách hàng còn phải chịu một khoản phí nộp phạt trả trước hạn phổ biến từ 2-3% cho tổng số tiền vay còn lại; phí thẩm định tài sản thế chấp khi vay ngân hàng mới...

Để Thông tư 06 đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng thương mại có sự liên thông với nhau cùng giải chấp tài sản mà khách hàng đang sử dụng làm tài sản bảo đảm ở ngân hàng cũ. Sau đó, tài sản này được đưa sang ngân hàng mới thế chấp cho khoản vay mới, rồi lấy tiền trả nợ ngân hàng cũ. Như thế, việc vay ngân hàng này trả ngân hàng nọ mới thực sự hiệu quả.

SỸ THẮNG