Đêm của "Nhớ mùa thu Hà Nội"
Bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” được viết dựa trên những trải nghiệm trong một tháng sống tại thủ đô của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ viết đôi ba dòng về sự ra đời của bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Nhưng theo lời kể của nhà thơ, dịch giả Dương Tường, một người bạn thân thiết của cố nhạc sĩ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết bài hát này vào một đêm mùa thu năm 1985. Trịnh Công Sơn khi ấy vừa có chuyến thăm Liên Xô cùng với ba đồng nghiệp theo lời mời của Bộ Văn hóa Liên Xô.
Trở về đúng vào những ngày thu Hà Nội, ông liền ở lại thành phố ông mới gặp nhưng đã trót yêu nhớ nơi này luôn một tháng.
Trong cả tháng ấy, mỗi sáng, ông và nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đều loanh quanh gặp gỡ bạn bè.
Chiều chiều cả hai lại lên Hồ Tây lộng gió, nằm bên hồ với chai rượu Ararat và nhìn bầy sâm cầm "vỗ cánh mặt trời".
Một tối, Trịnh Công Sơn cùng Dương Tường đến uống rượu ở nhà một người bạn ở khu tập thể Kim Liên cùng với anh hùng Phạm Tuân. Trong khi Dương Tường chỉ dám nhấp môi vì "làm sao đọ được với phi công", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại uống rất nhiệt tình.
Tàn cuộc rượu thì Trịnh Công Sơn đã ngà say. Dương Tường dìu bạn lên xích lô đưa về khách sạn Đồng Lợi (nay là khách sạn Mercure) nằm ngay ngã ba đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn) - Lý Thường Kiệt, cạnh ga Hà Nội.
Đưa bạn về tới phòng, thấy bạn còn say mà chỉ có một mình, Dương Tường ở lại khách sạn cùng.
Đêm đó, khi Dương Tường chợt tỉnh giấc và giật mình thấy Trịnh Công Sơn đang ngồi viết. Vậy là người ở lại trông người say lại ngủ trước cả người say.
Trịnh Công Sơn sau cuộc rượu đã không ngủ mà ngồi viết "Nhớ mùa thu Hà Nội" với những câu hát "kỳ tài" khi gói được những đặc trưng đẹp đẽ nhất của Hà Nội.
Nỗi nhớ vừa hiện hữu, vừa vô hình, không hướng về ai nhưng cũng hướng về tất cả Hà Nội của Trịnh Công Sơn đã khơi gợi được niềm đồng cảm của bao thế hệ người yêu nhạc. Mỗi độ thu về cùng gió heo may, hương cốm mới, cả một trời ký ức trong lòng những người yêu Hà Nội lại bồi hồi sống dậy. Người đi xa nhớ một Hà Nội trong ảo ảnh, hình dung. Người ở gần nhớ một Hà Nội của dĩ vãng.