Hợp tác xã thích ứng xu hướng tiêu dùng xanh
Nhiều hợp tác xã ở Hải Dương đã và đang bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh bằng việc thay đổi sản xuất để nâng cao hiệu quả, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường.
Chú trọng sản xuất sạch
Thành lập nhiều năm nay, Hợp tác xã Âu Việt Fram ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) luôn tìm tòi để thích ứng nhu cầu thị trường. Hiện hợp tác xã có 3 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Tới vụ đông, hợp tác xã sản xuất thêm các loại rau quả chất lượng cao như ớt chuông, dưa chuột, cà chua… Hiện hợp tác xã này đang trồng thêm 1.000 gốc nho hạ đen và nho sữa Hàn Quốc với tổng diện tích 3.500 m2.
Thế mạnh của hợp tác xã là chú trọng sản xuất theo quy trình hữu cơ. Thuốc trừ sâu hữu cơ cũng được sản xuất từ các thảo dược sẵn có trong tự nhiên hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học, bẫy côn trùng… thân thiện môi trường, không độc hại cho người sử dụng. Quy trình sản xuất của hợp tác xã được kiểm soát chặt chẽ từ giống cây đến khi thu hoạch. Nhờ vậy, các sản phẩm rau quả ở đây đã khẳng định chất lượng, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. “Tiêu chí của hợp tác xã là trồng các loại rau, củ, quả theo hướng an toàn, sạch, bảo đảm chất lượng”, ông Bùi Văn Duy, Giám đốc Hợp tác xã Âu Việt Fram nói.
Hợp tác xã Nông sản sạch Thành Nhàn ở xã Thượng Quận (Kinh Môn) cũng đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho sấy và mua sắm trang thiết bị để phục vụ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các khu sản xuất được sắp xếp liền kề, nối tiếp tạo thành dây chuyền sản xuất tuần hoàn, khép kín. Quy mô xưởng sản xuất bột sắn dây của hợp tác xã này đã được đầu tư hiện đại bậc nhất ở thị xã Kinh Môn.
Tiêu thụ thuận lợi
Chị Phan Thị Phượng ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) là khách hàng chuyên mua thực phẩm sạch của nhiều cơ sở sản xuất trong tỉnh. Theo chị Phượng, người tiêu dùng ngày càng coi trọng các sản phẩm dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. "Mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm sạch giá thường cao hơn so với ở chợ truyền thống. Tuy nhiên, khách hàng có thể nắm rõ thông tin và quy trình sản xuất, chất lượng của sản phẩm", chị Phượng nói.
Hợp tác xã Liên kết chuỗi nông sản CocoFood đã có 4 năm kinh nghiệm tham gia trong chuỗi liên kết “Sản xuất-chế biến-tiêu thụ” nên hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích khi sản xuất sạch. Nắm được tâm lý của những người tiêu dùng như chị Phượng, CocoFood đã xây dựng 4 cơ sở chuyên cung cấp về thực phẩm an toàn tại Hải Dương và đã bắt đầu vươn ra địa bàn thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, hợp tác xã còn cung ứng thực phẩm cho các bếp ăn bán trú tại một số trường học trong tỉnh.
Dây chuyền sản xuất khép kín, việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp bột sắn dây Thành Nhàn giữ được hương vị riêng và cho mẫu mã đẹp hơn. Nhờ đó, hàng sản xuất ra đến đâu đều được thu mua hết. Đến nay bột sắn dây mang thương hiệu Thành Nhàn đã dần tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Năm 2020, sản phẩm bột sắn dây của hợp tác xã này đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2022.
Theo đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh, để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp xanh, các hợp tác xã cần tiếp tục đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp yêu cầu thị trường. Đồng thời, áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.
Trong hành trình đó, các hợp tác xã cần sự đồng hành của cơ quan quản lý và địa phương trong việc tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nhân lực, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm… Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh và thích ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.