Apple chịu thua trước chính trị gia ''nhỏ bé'', sắp phải có thay đổi lớn
Chính trị gia đến từ quốc gia nhỏ nhất EU đã buộc tập đoàn có giá trị lớn nhất thế giới phải khuất phục, buộc phải đưa ra một thay đổi lớn.
iPhone mới của Apple sắp có một sự thay đổi lớn. Tại sao vậy? Hãy hỏi một chính trị gia đến từ quốc gia nhỏ nhất của EU.
Cáp sạc - mớ "spaghetti điện tử"
Cuộc bầu cử ở quốc gia nhỏ nhất trong Liên minh Châu Âu, Malta, được cho là không quan trọng đối với hàng tỷ người trên thế giới. Nhưng không lâu sau khi Malta cử một chính trị gia trẻ tên là Alex Agius Saliba tới Brussels, ông này mới bắt đầu phát huy ảnh hưởng của mình. Điều đầu tiên ông làm khi đến, đó là lên tiếng lo ngại rằng các tàu Tunisia đang đánh bắt trái phép loài cá vốn thuộc về hạm đội của Malta. Sau đó, ông chuyển sự chú ý sang Apple.
Vị quan chức đến từ Malta sẽ định hình hành vi của người tiêu dùng trên khắp hành tinh khi ông yêu cầu công ty vốn hóa lớn nhất thế giới phải thiết kế lại sản phẩm có giá trị nhất của mình.
Năm ngoái, EU đã thông qua luật yêu cầu các thiết bị điện tử cầm tay mới phải được trang bị cổng USB-C vào năm tới. Hầu hết điện thoại, máy tính xách tay và các thiết bị phổ biến khác đều đã sử dụng cổng Type C giúp bạn dễ dàng sạc tất cả các thiết bị của mình bằng một sợi dây. Nhưng không phải iPhone!
Người khổng lồ công nghệ này vẫn sử dụng cổng Lightning độc quyền của Apple – và hiện tại các cơ quan quản lý của châu Âu về cơ bản đã cấm công nghệ đó. Họ nói rằng một bộ sạc thống nhất là cần thiết và luật này sẽ đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta dù nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.
Đó là tình huống ông Agius Saliba đã thực hiện khi đứng trước Nghị viện Châu Âu vào năm ngoái. Ông thò tay vào chiếc hộp mang đi từ nhà mình ở Malta và lôi ra một mớ dây cáp rối rắm - giống như một loại mì "spaghetti điện tử". Ông nói, những thứ này sẽ là quá khứ. Thứ trong tay còn lại của ông mới là tương lai - tay kia của Saliba đang cầm một bộ sạc USB-C duy nhất.
Ông tuyên bố: “Hôm nay, chúng ta sẽ thay thế mớ dây sạc này chỉ bằng... cái này.”
Và đây là lý do tại sao Apple dự kiến sẽ tiết lộ một thay đổi đáng chú ý cho iPhone vào tuần tới, loại bỏ cổng kết nối Lightning sau hơn một thập kỷ và chuyển sang USB-C. Đó là cách duy nhất để họ có thể tiếp tục bán ra iPhone tại châu Âu theo các quy định mà ông Agius Saliba đã giúp viết ra.
Ông nói với cơ quan lập pháp EU vào năm ngoái: “Nếu Apple muốn tiếp thị sản phẩm và bán sản phẩm của họ trong thị trường nội bộ của chúng tôi, thì họ phải tuân thủ các quy tắc của chúng tôi”. “Tôi sẽ không để Apple làm những gì họ muốn!", Saliba đăng trên Facebook.
Đây chắc chắn không phải là điều Apple mong muốn. Ngay cả khi USB-C đã trở thành tiêu chuẩn cho các điện thoại Android đối thủ và ngay cả khi Apple đã áp dụng nó cho MacBook và iPad, thì công ty Mỹ vẫn duy trì cổng sạc Lightning cho iPhone và AirPod.
Các cơ quan quản lý cho biết luật của họ sẽ tiết kiệm hàng tấn rác thải điện tử và 250 triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, Apple cho biết quy định này sẽ cản trở sự đổi mới và gây bất tiện cho hơn một tỷ người hiện đang dựa vào các loại cáp sẽ sớm lỗi thời.
Nhưng quy tắc là quy tắc. Và ngay cả một công ty trị giá hàng nghìn tỷ đô la cũng không đủ khả năng để phá vỡ chúng.
“Rõ ràng là chúng tôi sẽ phải tuân thủ", Greg Joswiak, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị toàn cầu của Apple, nói một hội nghị vào năm ngoái. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác.”
Ông cũng chỉ ra rằng EU đã từng muốn có một bộ sạc chung trước khi Lightning ra đời vào năm 2012 và USB-C vào năm 2014 — và cả hai đều sẽ không tồn tại ngày nay nếu các cơ quan quản lý đã làm theo cách của họ vào thời điểm đó. Apple từ chối bình luận thêm.
"Hiệu ứng Brussels"
Châu Âu ép buộc Apple là ví dụ mới nhất về “hiệu ứng Brussels”, một cụm từ do Anu Bradford, giáo sư Trường Luật Columbia, đặt ra để mô tả các quy định của EU ảnh hưởng đến thị trường trên toàn cầu như thế nào. Hóa ra việc bảo vệ người tiêu dùng cũng giống như bóng đá: Người châu Âu tin rằng họ làm điều đó tốt hơn bất kỳ ai. Và họ có quyền lực đối với Thung lũng Silicon phía bên kia đại dương xa xôi. Apple tạo ra 1/4 doanh thu từ châu Âu, điều này mang lại cho các cơ quan quản lý EU có nhiều tiếng nói trong các quyết định của công ty.
Agius Saliba cho biết sứ mệnh của ông là “tạo ra sự khác biệt thiết thực trong cuộc sống của người dân Malta”. Nhưng ông không chỉ làm việc thay mặt cho một hòn đảo nhỏ không được biết đến với những quy định nghiêm ngặt. Ông muốn luật này sẽ giúp ích cho mọi người trên khắp châu Âu, "và hy vọng là cả phần còn lại của thế giới”.
Agius Saliba yêu thích các sản phẩm của Apple. Ông sở hữu một chiếc MacBook, iPad và Apple Watch. Lý do duy nhất khiến ông không mua iPhone có cổng USB-C ngay là vì muốn đợi cho đến khi cần một chiếc mới. Và Saliba sẽ theo dõi sự kiện ra mắt mùa thu của Apple.
Nếu các thành viên của Nghị viện Châu Âu xếp hàng theo quy mô khu vực bầu cử của họ, Agius Saliba sẽ thấy mình ở gần cuối cùng.
Ông lớn lên ở một vùng nông thôn của Malta, một hạt nhỏ bên biển Địa Trung Hải với tổng dân số chỉ hơn nửa triệu người và ông được bầu với khoảng 36.000 phiếu ủng hộ. Trước khi làm chính trị gia, ông là nhà báo và luật sư. Ông kết hôn với vợ là Sarah Agius vài tháng trước chiến dịch tranh cử của mình và đổi tên thành Agius, để tên ông xuất hiện ở thứ tự cao hơn trong lá phiếu.
Từ 30 loại cáp sạc xuống 3, và từ 3 còn 1
Với cái tên mới, Agius Saliba đã đến Brussels vào năm 2019, nhưng các chính trị gia châu Âu thực tế đã theo đuổi một bộ sạc chung từ cả chục năm trước đó. Apple và các đối thủ của họ đã ký một thỏa thuận tự nguyện vào năm 2009 để tìm ra giải pháp bộ sạc thống nhất và số lượng loại bộ sạc được bán đã giảm trong thập kỷ tiếp theo từ 30 xuống còn ba: MicroUSB, USB-C và Lightning.
Phần khó khăn là đi từ ba loại xuống một. Các cơ quan quản lý của châu Âu cho biết vào năm 2018 rằng các công ty như Apple đã không tự mình đạt được đủ tiến bộ và đe dọa sẽ có hành động. Agius Saliba và các thành viên khác của Nghị viện EU yêu cầu ban hành luật vào đầu năm 2020, nhận được đề xuất về bộ sạc duy nhất vào năm 2021 và thông qua luật vào năm 2022. Đến cuối năm 2024, USB-C sẽ trở thành bắt buộc đối với nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng phổ biến như điện thoại, máy tính bảng, camera kỹ thuật số, thiết bị chơi game, headphone, tai nghe, loa di động, bàn phím, chuột, đầu đọc điện tử...
Agius Saliba tự coi mình là người quan trọng trong quá trình xây dựng luật đó và đưa nó vào cuộc sống. “Tôi không muốn gây chiến với Apple", ông nói. “Nhưng đồng thời, tôi chưa bao giờ tin rằng các công ty lớn sẽ buộc chúng tôi phải mua phụ kiện sạc độc quyền của họ khi chúng tôi có các giải pháp khác linh hoạt hơn trên thị trường”.
Nhưng liệu đó có thực sự là cách giải quyết? Apple sẽ trả lời là không.
Ông Joswiak nói: “Tôi không ngại các chính phủ cho chúng tôi biết họ muốn đạt được điều gì. Nhưng thông thường chúng tôi có một số kỹ sư khá thông minh có thể tìm ra cách tốt nhất để đạt được.”
Nhưng có một điều mà Apple và EU thấy mình có sự liên kết. Họ chia sẻ một mục tiêu cần được ưu tiên hàng đầu đối với các công ty, chính phủ và tổ chức, dưới bất kỳ hình thức nào. Đó là " làm cho mọi việc trở nên đơn giản hơn”.
Đó là điều Agius Saliba đã nhắc nhở các đồng nghiệp của mình ngay trước khi họ bỏ phiếu ủng hộ luật về bộ sạc chung: “Các giải pháp đơn giản thường là tốt nhất và thiết thực nhất”.
Tình cờ có một người cũng có suy nghĩ tương tự: Steve Jobs. Nhà sáng lập Apple được truyền cảm hứng từ sự đơn giản của mọi thứ, và nỗi ám ảnh của ông về việc làm cho mọi thứ đơn giản hơn đã định hình nên Apple kể từ khi thành lập. Đó là một triết lý công khai ngay trên trang bìa của tập tài liệu quảng cáo về máy tính Apple II: “Đơn giản là sự tinh tế tột đỉnh”.
Và giờ đây, một khách hàng của Apple đến từ Malta đã hiểu ý của Jobs khi ông nói rằng để làm ra một điều gì đó đơn giản, phải mất rất nhiều công sức.