Đề xuất quy định niên hạn, khoảng 40% xe tập lái phải thay thế
Với đề xuất quy định niên hạn cho xe tập lái, Cục Đường bộ Việt Nam ước tính số lượng xe hạng B cần thay chiếm khoảng 40%. Điều này ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư của các cơ sở đào tạo nhưng cần phải áp dụng.
Cục Đường bộ vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe ô tô. Trong đó, đáng chú ý cơ quan này đề xuất quy định niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch.
Cụ thể, xe tập lái hạng B1, B2 và FB có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất).
Xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE có niên hạn tối đa từ 17-25 năm (theo quy định tại Nghị định 95/2009 quy định niên hạn xe chở hàng và người).
Theo Cục Đường bộ, việc quy định này là để giải quyết tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong đào tạo, sát hạch lái xe, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, cơ quan đề xuất cũng nhận định hiện số lượng xe hạng B (xe 4 chỗ) cần thay thế là rất lớn, chiếm khoảng 40% ở các cơ sở đào tạo lái xe. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư của các cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch.
“Nhưng nếu chúng ta không quy định niên hạn như hiện hành thì tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong đào tạo, sát hạch lái xe”, Cục Đường bộ phân tích.
Trao đổi với phóng viên về đề xuất này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Bắc Hà (Bắc Ninh) cho rằng, hiện nay xe ô tô dùng để đào tạo lái xe chưa quy định niên hạn.
“Việc này giúp giảm chi phí hằng năm cho các cơ sở đào tạo”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, với quy định niên hạn vừa được Cục Đường bộ đề xuất, ông Nghĩa cho rằng sẽ ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư của các cơ sở đào tạo lái xe. Vì vậy, ông đề nghị cần cân nhắc giữ như hiện hành. Nếu không sẽ làm tăng chi phí đào tạo lái xe.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, xu thế các nước trên thế giới kiểm soát an toàn phương tiện bằng hàng rào kỹ thuật mà không kiểm bằng niên hạn (tuổi đời của xe).
Việc căn cứ vào các tiêu chí kỹ thuật để đánh giá chất lượng xe đảm bảo tính chính xác, đồng thời dự báo được khả năng những bộ phận có thể hỏng trong thời gian tới.
“Do đó, có những xe có tuổi đời hàng trăm năm (xe cổ) vẫn được sử dụng. Tất nhiên, những xe này điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vẫn phải đảm bảo. Theo đó, những xe này sẽ phải tăng cường công tác kiểm định, với các yếu tố như khí thải, khung sườn… thì yêu cầu đòi hỏi sẽ cao hơn. Với cách thức này sẽ tiết kiệm tài sản hiện có”, TS. Khương Kim Tạo thông tin.
Đối với xe tập lái, ông Tạo cho rằng tốc độ vận hành chậm, khả năng gây tai nạn do yếu tố kỹ thuật thấp hơn xe đi nhanh. Người học lái thường xuyên sang số, về số do đó bàn đạp, bi hộp là những bộ phận hay hỏng chứ không phải tất cả.
“Hơn nữa, chưa có số liệu đánh giá tỷ lệ xe tập lái gây tai nạn do yếu tố kỹ thuật. Theo quan sát của tôi thì tỷ lệ này rất thấp, những vụ tai nạn trong quá trình học lái nguyên nhân do con người chứ không phải yếu tố kỹ thuật.
Do đó, đề xuất niên hạn đối với xe tập lái, theo tôi gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo, không tận dụng hết tài sản hiện có. Tôi cho rằng cơ quan chức năng nên cân nhắc việc quy định niên hạn đối với xe tập lái. Thay vào đó, tăng cường công tác kiểm định chất lượng”, ông Tạo nói.
Trong khi đó, đại diện một Sở GTVT lại ủng hộ đề xuất này. Vị này cho rằng trên thực tế, còn tình trạng các cơ sở đào tạo sử dụng xe cũ, do đó việc quy định niên hạn đối với xe ô tô dùng cho việc sát hạch là cần thiết. Lý do là việc sử dụng ô tô cũ để cho học viên sát hạch gây mất an toàn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện bài thi sát hạch của học viên.
“Dù trước các kỳ sát hạch có kiểm tra nhưng qua hai hoặc ba vòng thi sát hạch có thể phát sinh lỗi kỹ thuật do xe đã qua nhiều năm sử dụng, độ bền kém…”, vị đại diện này thông tin.