Xã hội

"Quên" đóng bảo hiểm cho người giúp việc

BẢO ANH 12/09/2023 11:00

Từ ngày 15/4/2020, nếu chủ nhà không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Thế nhưng hơn 3 năm qua, ở Hải Dương quy định này gần như bị bỏ quên.

W_giup-viec-ok.jpg
Nhiều người giúp việc không nắm rõ quy định chủ nhà phải trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho mình

Không dám đòi hỏi

Làm giúp việc tròn 3 năm và qua 2 lần đổi chủ nhưng chị Nguyễn Thị Hoài, quê ở xã Thống Kênh (Gia Lộc) chưa bao giờ được chủ nhà nhắc tới đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Năm đầu chị nhận bế con cho cháu họ nên lương bao nhiêu chị cũng chấp nhận, không dám đòi hỏi. Hai năm sau chị đổi chủ, làm giúp việc cho một gia đình ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) với mức lương thỏa thuận 7 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng chị Hoài được nghỉ 2 chủ nhật.

Ngoài chăm trẻ, chị Hoài còn phải giặt quần áo, nấu cơm, thậm chí có hôm còn phải đón con trai lớn của chủ nhà đang học tiểu học. “Công việc vất vả, luôn chân, luôn tay, nhưng tôi không dám đòi hỏi họ đóng bảo hiểm, chỉ cần họ trả lương đúng hạn và cho nghỉ 2 chủ nhật trong tháng đã tốt lắm rồi”, chị Hoài nói.

Hiện nay, phần lớn các gia đình ở Hải Dương tự tìm người giúp việc qua người thân giới thiệu hoặc họ hàng ở quê. Số gia đình tìm người giúp việc qua các trung tâm, đơn vị giới thiệu việc làm rất ít. Vì phần lớn là người thân quen nên chủ nhà và người giúp việc thường không ký hợp đồng lao động. Tiền lương và các quy định về số ngày nghỉ cùng chế độ khác chủ yếu thỏa thuận miệng.

W_tim-viec.jpg
Người giúp việc qua các trung tâm giới thiệu việc làm sẽ được tư vấn các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình (ảnh minh họa)

Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn luật quy định rất rõ, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội. Ngay cả khi Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội có hiệu lực cách đây 3 năm quy định rõ, nếu chủ nhà không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc sẽ bị phạt số tiền không nhỏ. Nhưng quy định này lại không được cả hai bên để ý.

Chị Phạm Thị Lựu ở khu 3, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Tôi đã thuê đến 3 người giúp việc nhưng chưa biết đến quy định này. Họ đến giúp việc cho nhà tôi cũng không nhắc đến hay đòi hỏi đóng bảo hiểm”.

Theo tổng hợp của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, sau 3 năm Nghị định 28 có hiệu lực chưa có chủ nhà nào mua bảo hiểm cho người giúp việc. Người giúp việc có được chủ nhà trả tiền để mua bảo hiểm hay không cũng khó có thể thống kê, nắm bắt được.

Có cũng như không

Theo Luật sư Nguyễn Kiều Đông, chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương, trước đây Bộ luật Lao động 2012 và Nghị định 27/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động nêu rõ người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cho người giúp việc một khoản tiền tương đương mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, do quy định chưa có cơ chế xử phạt trong các trường hợp người sử dụng lao động vi phạm nên khi áp dụng vào thực tiễn không hiệu quả. Nghị định 28 đặt ra mức xử phạt cụ thể nếu vi phạm quy định. Đây có thể coi là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của người giúp việc. Luật đã quy định, chế tài khá cụ thể nhưng việc giám sát chủ nhà có đóng bảo hiểm cho người giúp việc hay không rất khó thực hiện. Thậm chí nhiều người giúp việc chấp nhận yên phận làm việc mà không tố cáo chủ nhà khi họ không bảo đảm quyền lợi cho mình.

Chính người giúp việc cũng e ngại đóng bảo hiểm cho bản thân vì họ cho rằng giúp việc gia đình là nghề thời vụ, không bền, khó có thể gắn bó lâu dài cho đến khi được nhận chế độ bảo hiểm xã hội nên không muốn đóng.

Bà Nguyễn Thị Mức, đang giúp việc cho một chủ nhà ở phố Vũ Hựu, phường Tân Bình (TP Hải Dương) băn khoăn: “Chủ nhà cho thêm tiền đóng bảo hiểm tôi cũng không biết phải nộp thế nào, cần những điều kiện gì. Nghe đến thủ tục, giấy tờ làm bảo hiểm đã ngại rồi. Hơn nữa, đóng bảo hiểm vài năm rồi không tham gia nữa thì chúng tôi có được hưởng quyền lợi gì không?”

Với những chủ nhà sẵn lòng đóng bảo hiểm cho người giúp việc thì thủ tục hay những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cũng khiến họ đắn đo. Anh Nguyễn Văn Đức ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) đặt câu hỏi: “Chúng tôi đã trả tiền bảo hiểm rồi nhưng người giúp việc không đóng thì có liên quan hay không? Những trường hợp người giúp làm một vài tháng rồi nghỉ hoặc những người giúp việc theo giờ thì sẽ tính tiền bảo hiểm như thế nào? Hơn nữa hiện nay người giúp việc đã đòi mức lương khá cao, nếu thêm tiền bảo hiểm nữa thì nhiều gia đình khó trả nổi”.

Phần lớn người giúp việc ít có điều kiện tiếp cận các thông tin pháp luật. Họ đi làm thường không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động nên không có cơ sở để đòi quyền lợi. Vì vậy, quy định đóng bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế cho người giúp việc hiện nay có cũng như không.

BẢO ANH