Địa phương công khai các khoản thu, mức thu để kiểm soát lạm thu
Đầu năm học mới, một số tỉnh, thành đã công khai các khoản thu, mức thu để phụ huynh, xã hội cùng giám sát.
Công khai song hành với thanh tra giám sát
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết: "Sở công khai 9 khoản tiền được phép thu đầu năm học 2023 - 2024 gồm: Thu, chi phục vụ bán trú; Thu, chi học 2 buổi/ngày; Thu, chi học phẩm; Thu, chi nước uống học sinh; Thu Bảo hiểm y tế học sinh; Thu chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; Thu chi tài trợ; Các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu".
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, mức thu học phí được thực hiện theo Nghị quyết số 03 ngày 4/7/2023 của Hội đồng Nhân dân thành phố, quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, trường học phổ thông công lập trên địa bàn năm học 2023 - 2024.
Các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi các khoản thu khác phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý) trước khi ban hành.
"Khi ngành có những hướng dẫn, quy định rõ ràng như vậy nhưng vẫn để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng các trường học sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền. Khi có thông tin dư luận phản ánh và đơn vị kiểm tra, phát hiện cơ sở vi phạm thu chi không đúng nguyên tắc, trách nhiệm cũng thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục đó", ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh quy định 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.
Về mức thu, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả tên các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục (không bao gồm học phí) phải đảm bảo đúng tên của 26 nội dung khoản thu thuộc 4 nhóm theo phân loại của HĐND thành phố (các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa; các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án; các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh).
Mức thu được áp dụng với 2 nhóm học sinh: Nhóm 1 là học sinh tại các trường ở TP.Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là học sinh tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả khoản thu phải được các đơn vị thông báo công khai, đầy đủ bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên; bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên. Các trường không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định. Đồng thời, yêu cầu tất cả khoản thu phải đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: "Bên cạnh quy định rất chi tiết từng khoản thu như trên, để đảm bảo không lạm thu đầu năm, ngành giáo dục cũng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định".
Sở GD&ĐT Cà Mau chỉ đạo các đơn vị, trường học tuyệt đối không để giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh đặt ra những nội dung trái quy định nhằm gợi ý và ép buộc phụ huynh học sinh đóng góp các khoản thu ngoài quy định. Đối với các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng, các đơn vị, trường học phải lập kế hoạch vào đầu năm học và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Sở yêu cầu, tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh (nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản thu theo thỏa thuận); bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Thủ trưởng các đơn vị, trường học phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Giám đốc Sở GD&ĐT nếu để xảy ra tình trạng phát sinh những khoản thu trái quy định tại đơn vị quản lý.
Sở GD&ĐT Bạc Liêu đưa quy định, đối với các cơ sở giáo dục công lập, khoản thu quy định mức trần thấp nhất 5.000 đồng, cao nhất 100.000 đồng như: Tiền ăn; giữ, chăm sóc trẻ ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật; học sinh làm quen với tiếng Anh; dạy các môn năng khiếu cho trẻ ngoài giờ chính khóa; thuê lao động vệ sinh trường lớp; dạy thêm, học thêm trong nhà trường…
Với các khoản thu không quy định mức trần, các cơ sở giáo dục thỏa thuận với phụ huynh có nhu cầu (bằng văn bản) trên tinh thần tự nguyện, thống nhất mức thu như: Tiền ăn; bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc; mua sắm thiết bị, đồ dùng, dụng cụ học tập; thực hiện chương trình hoạt động giáo dục bổ trợ, tăng cường, bồi dưỡng năng khiếu học sinh ngoài giờ học chính khóa...
Ngoài các khoản thu được quy định, các cơ sở giáo dục không được thỏa thuận với phụ huynh học sinh để thu thêm các khoản thu khác.
Làm rõ vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh
Việc thu, chi đầu năm học được Bộ GD&ĐT quy định khá rõ trong Thông tư 55. Đặc biệt, liên quan đến ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT liệt kê chi tiết 7 khoản tiền ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu không được thu tiền mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Tuy nhiên, theo khoản 2, điều 4 Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT, ban đại diện cha mẹ học sinh có những quyền sau: Quyết định triệu tập các cuộc họp cha mẹ học sinh theo quy định (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp) sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp; Tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh của lớp về biện pháp quản lý giáo dục học sinh để kiến nghị cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học; Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh sau khi thống nhất với giáo viên chủ nhiệm lớp.