Giá đường cao kỷ lục, doanh nghiệp Việt chịu "cú đấm bồi" giữa cao điểm cuối năm
Cùng với nhiều nguyên liệu đắt đỏ, việc giá đường thế giới tăng sốc đã thêm phần tác động đến doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước giải khát.
Đại diện nhiều doanh nghiệp than, từ đầu năm đến nay, giá cả đầu vào nhiều mặt hàng tăng cao, gần đây việc giá đường lại đắt nhất 10 năm đã như cú giáng bồi khiến họ càng thêm khó khăn, nhất là thời điểm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phục vụ bánh kẹo mùa Trung thu và dịp cuối năm.
Đại diện Công ty bánh kẹo Bibica cho biết, sản xuất bánh kẹo phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu như bột mì (nhập khẩu gần như toàn bộ), đường (nhập khẩu một phần). Chính vì vậy, sự biến động về giá của các nguyên vật liệu đường, bột mỳ trên thị trường thế giới và sự biến động của tỷ giá VND/USD đã ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm.
Vị này cũng lo lắng, yếu tố mùa vụ rất quan trọng với ngành bánh kẹo, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành tập trung chủ yếu ở một số thời kỳ nhất định như Tết Nguyên đán hay Tết Trung Thu. Trong khi đó, tình hình thế giới vẫn rất phức tạp khiến các yếu tố bên ngoài như biến động giá cả, tỷ giá, nguồn cung, cước vận chuyển...biến động khó lường.
“Do vậy, không chỉ giá đường cao đột biến mà giá các nguyên liệu đầu vào khác đều tăng từ đầu năm đến nay cũng đã gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo”, vị này nói.
Đại diện một doanh nghiệp nước giải khát cũng cho biết, hiện nay, doanh nghiệp dùng rất ít đường mía và chuyển sang sử dụng đường lỏng sirô ngô. Tuy vậy, trong cơ cấu giá thành sản phẩm nước giải khát thì đường vẫn chiếm tỷ trọng lớn, còn lại là nhân công lao động, khấu hao thiết bị và những hương liệu khác.
Chủ tịch Hiệp hội rượu bia, nước giải khát Nguyễn Văn Việt xác nhận, đường chiếm khoảng từ 15 - 18% giá thành sản phẩm nước ngọt.
“Do vậy, tuy giá đường tăng cao kỷ lục như hiện nay có thể chưa tác động ngay đến giá sản phẩm vì liên quan đến việc tích trữ nguyên liệu trước đó và tốc độ tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nhưng chắc chắn từ nay đến cuối năm sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và có sự điều chỉnh giá ngoài thị trường”, ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, năm nay tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp rượu bia, nước giải khát gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm kết thúc hè, bước sang giai đoạn cao điểm sản xuất cuối năm mà giá đường lại tăng cao đột biến.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đối mặt tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm đáng kể.
Bên cạnh đó là chi phí tái chế đối với tái chế bao bì, chai nhựa, lon nhôm và vỏ thùng carton... rất cao. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường cũng đã ảnh hưởng đến ngành nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì...
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 8/2023, Chính phủ Ấn Độ ra thông báo sẽ cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024, bắt đầu từ tháng 10/2023. Đây cũng là lệnh tạm dừng xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 7 năm qua tại Ấn Độ.
“Việc cường quốc mía đường là Ấn Độ cấm xuất khẩu đường sẽ khiến nguồn cung trên thế giới suy giảm đáng kể. Tại Việt Nam giai đoạn cao điểm cuối năm là lúc hàng loạt doanh nghiệp Việt đang cần đường cho sản xuất, vì thế có thể phải chịu một cú sốc nguồn cung mới, có thể khiến giá hàng loạt sản phẩm tăng theo”, ông Lộc cho biết.
Thời gian vừa qua, giá đường thế giới đạt mức cao nhất 10 năm qua sau thông tin Ấn Độ dự kiến hạn chế xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024. Đỉnh điểm, giá đường thô thế giới ở mức 27,3 US Cent/pound.
Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ước tính sản lượng đường sản xuất cho niên độ 2022 - 2023 chỉ đạt 34 triệu tấn, thấp hơn 2,5 triệu tấn so với dự báo gần nhất và giảm 5% so với cùng kỳ niên độ trước. Chất lượng mía thấp hơn dự kiến do điều kiện thời tiết không thuận lợi, cây mía chín sớm hơn và giảm trọng lượng.
Đối với Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng đường cũng chỉ đạt 9 triệu tấn, thấp hơn 1 triệu tấn so với dự báo trước đó và thấp hơn 6,3% so với niên độ trước.
Nhìn chung, lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong niên độ 2022 - 2023 sẽ giảm 13% so với niên độ trước, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.
Bối cảnh trên khiến giá đường tại Việt Nam bắt đầu tăng theo thế giới. Trong tháng 8/2023, giá đường trong nước đã tăng lên mức cao nhất vài năm trở lại đây, đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, đến ngày 28/8, có công ty đã thông báo giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.
Trước bối cảnh này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam mới đây khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay là mức giá hợp lý bảo đảm mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
"Không để giá đường tăng thêm nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng. Tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá.
Đối với những trường hợp không tuân thủ khuyến cáo nêu trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó trong đó có kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023", văn bản của Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu..