Quốc hội Đức thông qua Luật Sưởi ấm gây tranh cãi nhất
Đạo luật được thông qua với 399 phiếu thuận, 275 phiếu chống và 5 phiếu trắng. Đây là một trong những dự án lớn nhất và gây tranh cãi nhất của liên minh cầm quyền kể từ khi nhậm chức.
Với đa số phiếu ủng hộ, ngày 8/9, Quốc hội Đức đã thông qua Đạo luật Năng lượng cho các Tòa nhà (GEG) sửa đổi - hay còn gọi là "Luật Sưởi ấm."
Đạo luật trên được thông qua với 399 phiếu thuận, 275 phiếu chống và 5 phiếu trắng. Đây là một trong những dự án lớn nhất và gây tranh cãi nhất của liên minh cầm quyền kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhậm chức tới nay.
Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Robert Habeck đã có màn tranh luận trước Quốc hội để bảo vệ cho việc sửa đổi Đạo luật này.
Đạo luật vẫn cần Hội đồng Liên bang thông qua để có hiệu lực, nhưng với sự ủng hộ của đa số như trên, kế hoạch thông qua tại cơ quan được coi là Thượng viện ở Đức vào cuối tháng 9 sẽ chỉ là thủ tục mang tính hình thức.
Luật mới có mục đích chính là thay đổi để hệ thống sưởi ấm thân thiện với khí hậu hơn khi thay thế dần các hệ thống sưởi bằng dầu và khí đốt.
Ban đầu, Đạo luật dự kiến được Quốc hội Đức thông qua trước kỳ nghỉ Hè, song do tranh cãi, đặc biệt là việc Tòa án Hiến pháp Liên bang yêu cầu Quốc hội tạm hoãn việc phê chuẩn, công tác này phải dời lại tới tháng 9.
Trước khi được đưa vào chương trình nghị sự ở Quốc hội, việc sửa đổi Đạo luật GEG đã gây ra những tranh luận gay gắt trong liên minh cầm quyền nhiều tháng qua.
Với luật mới, Chính phủ Đức muốn đảm bảo cho việc bảo vệ khí hậu hiệu quả hơn khi sưởi ấm. Ngoài ra, từ năm 2024, mọi hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới phải được vận hành với ít nhất 65% năng lượng xanh.
Tuy nhiên sẽ không có thiết bị sưởi nào đang còn hoạt động phải thay thế, trong khi các thiết bị hỏng cũng có thể được sửa chữa. Việc chuyển đổi này sẽ được chính phủ hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, luật mới cũng vạch ra kế hoạch thực hiện giai đoạn chuyển tiếp, cũng như các quy định nghiêm ngặt liên quan.
Quy hoạch nhiệt đô thị phải được lập ở các đô thị có hơn 100.000 dân vào giữa năm 2026 và các thành phố còn lại vào giữa năm 2028.
Theo Bộ Kinh tế Đức, gần 50% trong khoảng 41 triệu hộ gia đình ở Đức sưởi ấm bằng khí đốt tự nhiên, tiếp theo là sưởi ấm bằng dầu chiếm gần 25% và sưởi ấm từ xa (hệ thống sưởi vùng) với 14%, còn lại là sưởi bằng điện hay bơm nhiệt.