Góc nhìn

“5 thiếu” của du lịch Hải Dương

DƯƠNG LAN 09/09/2023 08:23

Để du lịch Hải Dương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có giải pháp đồng bộ bù đắp những "khoảng trống" dẫn đến chưa hấp dẫn du khách.

W_2-2233-.jpg
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là điểm đến quan trọng của du lịch Hải Dương

Dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, bạn tôi ở Hà Nội dành trọn 4 ngày nghỉ đưa gia đình về Hải Dương du lịch. Ngày đầu tiên bạn chọn khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc vì đây là điểm gợi ý đầu tiên trong số 13 điểm đến hấp dẫn được các trang mạng giới thiệu. Đến "chốn tùng lâm đẹp đẽ", hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, yên bình và khám phá những trầm tích văn hóa của vùng đất địa linh, nhân kiệt trong một ngày, cả gia đình bạn rất hào hứng… Nhưng ngay tối hôm đó, bạn tôi lại thông báo không ở lại Hải Dương hết 4 ngày như dự định chỉ vì khó tìm được nơi ăn, chốn ở ưng ý. Tìm trên Booking, trang web uy tín về khách sạn thì ở Chí Linh chỉ có duy nhất một gợi ý là khách sạn Sao Đỏ, còn lại phần lớn là nhà nghỉ nhỏ và cũ. Các món ăn đặc sắc ở đây cũng không đủ phong phú, hấp dẫn để níu chân bạn tôi ở lại.

Hải Dương nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về số lượng các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng. Nhiều điểm du lịch được xem là độc nhất vô nhị như Làng tiến sĩ Mộ Trạch ở Bình Giang; Đảo Cò (Thanh Miện) với hệ sinh thái độc đáo ít có ở đồng bằng sông Hồng; khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, gắn liền với những trầm tích văn hóa, lịch sử đang trong hành trình trở thành di sản thế giới...

Tại sao Hải Dương vẫn chưa “đánh thức” được tiềm năng du lịch phong phú ấy? Tôi nhớ đến “5 thiếu” Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) đã từng chỉ ra. Những hạn chế này cũng vừa được những người làm du lịch Hải Dương nêu tại Tọa đàm về “Liên kết phát triển tuyến, điểm du lịch tỉnh Hải Dương năm 2023” diễn ra ngày 6/9.

5 thiếu của du lịch Hải Dương là gì? Đó là kiến thức về cách làm du lịch bài bản, chất lượng; sản phẩm du lịch đặc thù; chuỗi du lịch tuần hoàn, liên kết vùng; hệ thống quản lý du lịch hiệu quả và các chính sách cụ thể thu hút các “đại gia” về đầu tư phát triển du lịch.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng du lịch của Hải Dương hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, ít xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù của từng điểm đến. Người dân Hải Dương bước đầu có ý thức làm du lịch nhưng đa phần vẫn tự phát, chưa chuyên nghiệp. Đáng nói là các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp vẫn chưa được hình thành. Năm 2021, Hải Dương đã phê duyệt quy hoạch khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hồ Bến Tắm 502,63 ha. Một số nhà đầu tư đã về nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị xanh, sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng với quy mô cấp vùng như khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái Ngũ Đài Sơn (Chí Linh); khu du lịch sinh thái sông Hương (Thanh Hà)… nhưng đến nay vẫn chưa thành hình.

Hàng loạt các sự kiện, hoạt động văn hóa du lịch đã được Hải Dương triển khai như Tuần văn hóa trà sen Kiếp Bạc, lễ hội lúa rươi Tứ Kỳ và lễ hội vải thiều Thanh Hà, phố đi bộ Bạch Đằng (TP Hải Dương) và tới đây là Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc với nhiều hoạt động mới lạ… nhưng có thể chưa đủ để hấp dẫn du khách ở lại dài ngày bởi thiếu chuỗi du lịch liên hoàn (chưa đủ 3 yếu tố ăn, nghỉ, chơi). Đây cũng là điểm trừ rất lớn đối với du lịch Hải Dương hiện nay.

Du lịch đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nó còn đem về giá trị vô hình rất lớn như quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư... Để khai thác tốt nguồn lợi từ du lịch đòi hỏi phải có sự nỗ lực đổi mới từ các cấp chính quyền đến mỗi người dân. Đề án "Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" cần được triển khai nhanh chóng. Có như vậy mới có thể giải được bài toán “5 thiếu” mà du lịch Hải Dương đang gặp phải.

DƯƠNG LAN