Cách ăn nhãn tránh tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường
Trái cây ngọt nhiều như nhãn lại là “nỗi sợ” của nhiều người. Vậy người bệnh đái tháo đường có ăn được nhãn không?
1. Người bệnh đái tháo đường có nên ăn nhãn không?
Nhiều người nghĩ rằng đường tự nhiên trong trái cây cũng có hại cho người bệnh đái tháo đường, do đó nhiều người bệnh không dám ăn trái cây. Tuy nhiên, trái cây và rau quả là nhóm thực phẩm rất cần thiết, có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn nhiều loại thực phẩm khác chứa đường bổ sung hoặc ngũ cốc tinh chế như gạo trắng, bánh mì trắng…
Nhãn là loại trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Đặc biệt, hàm lượng vitamin C cao trong nhãn đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của làn da, mạch máu và xương.
Nhãn có vị ngọt tự nhiên rất thơm ngon nên là loại trái cây ưa thích của nhiều người. Người bệnh đái tháo đường cũng có thể thưởng thức nhãn đúng cách như một phần của chế độ ăn uống cân bằng và có kiểm soát.
Theo nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, trong 100g nhãn chứa khoảng:
Calo: 60
Carb: 15,14g
Chất đạm: 1,31g
Chất xơ: 1,10g
Chất béo: 0,10g
Vitamin C : 84mg (140% giá trị hằng ngày - DV)
Kali: 266mg (7,6% DV)
Phốt pho: 21mg (2,1% DV)
Đồng: 0,17mg (8,5% DV)
Mangan: 0,05mg (2,6% DV)
Sắt: 0,13mg
Tuy nhiên, so với nhãn tươi thì nhãn khô có hàm lượng calo và carbs cao hơn. Tiêu thụ khoảng 28g nhãn khô có thể cung cấp lên đến 80 calo và 21 carbs.
2. Nên ăn bao nhiêu là đủ?
Theo ThS. BS Nguyễn Thu Yên, chuyên Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, ăn trái cây là cách tốt nhất để bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Nhóm thực phẩm này còn là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào rất tốt cho hệ tiêu hóa và giúp ổn định đường huyết.
Tuy nhiên, đa số trái cây cung cấp lượng đường khá lớn. Một số loại trái cây chứa nhiều đường ảnh hưởng đến sự cân bằng đường huyết. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần hiểu rõ về tác dụng của trái cây và cách ăn hợp lý.
Người bệnh đái tháo đường nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp (GI bằng 55 hoặc ít hơn) giúp đường huyết tăng một cách từ từ. Hạn chế ăn trái cây có chỉ số đường huyết cao (GI bằng 70 trở lên), khi ăn vào đường tăng nhanh.
Nên ăn đa dạng, nhiều loại trái cây để nhận được nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất khác nhau.
Người bệnh đái tháo đường có thể ăn trái cây từ 2-3 lần/ ngày và ăn với lượng tương đương như sau: 1/2 quả cam to/ lần ăn; 2 múi bưởi/lần ăn; 1 quả chuối chín tới cỡ vừa/lần ăn; ¼ quả thanh long vừa/lần ăn ; 1 miếng tam giác dưa hấu/lần ăn... Đối với những loại trái cây ngọt hơn như: nhãn, vải, mít… ăn hạn chế hơn. Cụ thể với nhãn chỉ nên ăn 10 quả mỗi lần.
3. Mẹo ăn nhãn để tránh tăng đường huyết
Nhãn có chỉ số GI ở mức trung bình. Tuy nhiên, do nhãn là loại quả nhỏ, ăn ngon miệng nên nhiều người thường có xu hướng ăn không kiểm soát dẫn đến tiêu thụ nhiều một lúc. Điều này có thể khiến đường huyết tăng cao.
Do đó, người bệnh đái tháo đường nên chú ý chỉ ăn nhãn ở lượng vừa phải như bác sĩ khuyến cáo. Nên ăn nhãn tươi, hạn chế ăn nhãn sấy khô như long nhãn vì nhãn khô chứa lượng đường cao hơn.
Có thể trộn cùi nhãn với sữa chua không đường hoặc sữa chua Hy Lạp cũng là cách để làm chậm quá trình hấp thụ đường.
Ngoài ra, không nên lựa chọn chỉ ăn nhãn mà nên thay đổi các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp hơn. Điều này vừa đạt được mục đích cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau cho cơ thể, vừa giúp ổn định đường huyết. Những loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp tốt cho người bệnh đái tháo đường là: bưởi, cam, táo, ổi, lê, bơ, chuối, thanh long…
Có thể ăn trái cây ngay sau bữa ăn hoặc thời điểm cách bữa chính 2 giờ tùy theo thói quen cũng như mức độ đường huyết của mỗi người. Nếu trường hợp đường huyết tăng nhiều sau bữa ăn chính thì nên ăn trái cây cách bữa ăn chính 2 giờ.