Hải Dương dự kiến đầu tư xây dựng thêm 265 phòng học
UBND tỉnh Hải Dương đã thống nhất với đề án xây dựng, bổ sung phòng học còn thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.
Chiều 6/9, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9 (lần 1) để xem xét, cho ý kiến vào nội dung báo cáo, tờ trình của một số sở, ngành.
Tại phiên họp này, Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc rà soát, đề xuất triển khai đề án xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đề xuất phương án phân bổ vốn ngân sách tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và năm 2023.
Qua thảo luận, UBND tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của 2 sở. Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu, rà soát số phòng học còn thiếu, cần xây trong tỉnh để bảo đảm thống nhất. Trên cơ sở đề án xây dựng, bổ sung phòng học thiếu của Sở Giáo dục và Đào tạo và tình hình thực tế tại các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, rà soát tổng hợp và đề xuất phương án phân bổ vốn ngân sách tỉnh cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh thống nhất nguồn kinh phí đầu tư cho đề án xây dựng, bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện các báo cáo, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo quy định…
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường học trong tỉnh còn thiếu phòng học, đặc biệt là giáo dục mầm non, THCS. Việc đầu tư xây dựng phòng học nhằm xóa phòng học tạm, phòng học mượn và bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025, bảo đảm đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Đây cũng là cơ sở để các ngành, các cấp, các địa phương huy động các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng xóa phòng học tạm, phòng học mượn, bổ sung phòng học thiếu giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng cho những năm tiếp theo.
Mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh đầu tư xây dựng 265 phòng học kiên cố, đạt chuẩn nhằm bảo đảm đủ phòng học đáp ứng quy mô năm học 2025 - 2026 cho phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non, THCS có tổng số phòng học tạm, phòng học mượn và phòng học thiếu từ 3 phòng trở lên. Nguồn kinh phí thực hiện trích từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn thu từ xổ số kiến thiết, nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tổng vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là hơn 422 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây dựng các công trình/dự án bổ sung phòng học thiếu tại các xã (theo đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo) là 178 tỷ đồng…